Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.
Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh

Ông T. là thợ xây dựng, có tiền sử hút thuốc nhiều năm (trung bình 1 bao/ngày).

Trước hôm nhập viện, ông T. vẫn đi làm công trình như mọi ngày. Chiều tối về nhà, ông cảm thấy mệt mỏi hơn. Đến nửa đêm, ông T. khó thở không ngủ được, đau chói vùng ngực phải. Khi hít vào càng đau quặn hơn, cơn đau đẩy phần ngực khiến ông không chịu được. Ông được người nhà đưa đi cấp cứu.

Nhập viện, ông T. được các bác sĩ chẩn đoán tràn khí màng phổi và được đặt ống dẫn lưu cấp cứu kịp thời, hỗ trợ thở. Sau đó, ông T. được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực, được đặt ống dẫn lưu liên tục, đặt máy hỗ trợ thở.

BSCKII Khiếu Mạnh Cường, bác sĩ chuyên ngành Ngoại - Lồng ngực, Khoa Ngoại Gan mật và Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Phổi của bệnh nhân có nhiều bóng giãn, phế nang có nhiều bóng khí. Trên bề mặt nhu mô phổi có nhiều điểm yếu cần phải tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực nhằm tránh bị tái phát tràn khí màng phổi lại”.

Bác sĩ Cường phân tích, tràn máu - tràn khí màng phổi, tràn khí màng phổi có van là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời thì tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng. Bệnh nhân sẽ bị suy hô hấp hoặc mất máu có thể gây sốc trong trường hợp tràn máu, tràn khí và nguy cơ tử vong cao. Trong các cách xử lý tràn khí màng phổi thì phẫu thuật nội soi lồng ngực là cách tốt nhất để giải quyết hiệu quả và dứt điểm tình trạng này.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc  ảnh 1

Hình ảnh phổi của bệnh nhân. Ảnh: Thanh Thanh

Theo các bác sĩ, phẫu thuật nội soi điều trị tràn khí màng phổi là phương pháp điều trị ít xâm lấn, giảm đau sau mổ và rút ngắn thời gian hậu phẫu. Thao tác mổ nội soi ưu việt hơn mổ mở đặc biệt trong phẫu thuật lồng ngực. Mổ nội soi, bác sĩ có thể đưa ống nội soi vào tất cả các vùng, kể cả những vùng ở sâu trong lồng ngực mà mổ mở không dễ dàng quan sát được. Phẫu thuật nội soi không chỉ giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh mà còn mang lại tính hiệu quả về thẩm mỹ.

Sau phẫu thuật 5 ngày, bệnh nhân T. đã hồi phục sức khỏe và bắt đầu tiến hành tập phục hồi chức năng hô hấp với các bài tập thở, ho, khạc, thổi bóng nhằm giúp phổi nở tốt, chống xẹp phổi và giúp đẩy dịch tiết ra hết bên ngoài.

“Với những bệnh nhân khó thở, ngất, người sơ cứu cần xem xét kỹ tình trạng của người bệnh, tránh ép tim cấp cứu khiến không khí càng tràn qua lỗ thủng vào màng phổi gây chèn ép phổi chặt lại khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Khiếu Mạnh Cường lưu ý.

Trước đó, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân chịu hậu quả rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử. Bệnh nhân 26 tuổi là nhân viên văn phòng. Trước khi vào viện khoảng 5 tháng, bệnh nhân cãi nhau với vợ. Người vợ đã bỏ về nhà ngoại và nộp đơn ly hôn. Suốt thời gian này, bệnh nhân không thể tập trung làm việc, trong đầu chỉ lo nghĩ tới việc ly hôn. Bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ làm. Mẹ bệnh nhân phát hiện, bắt bỏ hút thuốc nhưng bệnh nhân không nghe. Sức khỏe bệnh nhân kiệt quệ, gia đình phải đưa vào Viện Sức Khỏe Tâm thần.

Cũng tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc cũng vừa tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng ngộ độc nicotine nặng. Theo chia sẻ từ gia đình, nam sinh hút cả thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử hơn 1 năm nay. Gần đây, gia đình phát hiện cậu học sinh mua những “hộp sữa” Milk và Lavie về sử dụng, sau đó tính tình thay đổi, hay cáu bẳn. Trong một lần thức khuya đến rạng sáng, người nhà phát hiện nam sinh co giật, kích thích nên được đưa tới bệnh viện gần nhà. Do bệnh quá nặng, nam sinh được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Bộ Y tế, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cũng trong năm 2022 và 2023, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử… Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Đọc thêm