Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh với chẩn đoán: Nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn.
Theo lời một bệnh nhân kể lại, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.
Người bệnh vào viện trong tình trạng tỉnh táo, kích thích, môi khô, lưỡi bẩn, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dày dày, sốt cao, huyết áp thấp. Bệnh nhân đã được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời, toàn trạng ổn định và được ra viện.
Theo bác sĩ điều trị, trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không may bị ngộ độc thức ăn mà không xử trí kịp thời rất dễ xảy ra nguy cơ và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy các bác sĩ bệnh viện đã tổ chức buổi tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh về những kiến thức liên quan đến ngộ độc thức ăn.
Các bác sĩ tổ chức buổi tư vấn giáo dục sức khoẻ cho người bệnh. |
Theo TS. Đại tá Nguyễn Đăng Mạnh cho biết: “Nhiễm khuẩn, nhiễm độc ăn uống là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây theo đường tiêu hoá. Bệnh cảnh lâm sàng chính là hội chứng viêm dạ dày, tiểu tràng cấp tính. Bệnh thường khởi phát đột ngột sau khi ăn phải thức ăn đã bị ô nhiễm bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc độc tố của chúng. Khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật bị ô nhiễm Salmonella như: Thịt, đặc biệt thịt tái, sống, sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín,…Khi dùng rau sống, hoa quả, nước uống bị nhiễm Salmonella bởi phân người và súc vật”.
Thực tế nhiều người có thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh và ăn dần sau đó. Tuy nhiên, theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia, thức ăn để lâu ngày trong tủ lạnh sẽ có nguy cơ bị mất chất, biến chất hay nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, việc cất giữ chung nhiều loại thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, tốt nhất cần chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần. Chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống; rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới được cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng...