Người phụ nữ ngộ độc nguy kịch do uống thuốc 'bừa bãi'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi uống thuốc giảm cân mua trên mạng và thuốc hạ sốt mua ngoài hiệu thuốc, 2 người phụ nữ tại Quảng Ninh phải nhập viện cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện sau khi uống thuốc hạ sốt mua ngoài hiệu thuốc. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân nhập viện sau khi uống thuốc hạ sốt mua ngoài hiệu thuốc. Ảnh: BVCC

Nói nhảm, ngộ độc sau uống thuốc giảm cân mua trên mạng

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ 38 tuổi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, mạch nhanh.

Theo người nhà cho biết khoảng 1 tuần nay, người bệnh có uống thuốc giảm cân mua trên mạng. Sau đó người bệnh có biểu hiện ăn ít, ngủ ít, mệt mỏi, tức ngực, nói nhảm. Gia đình đã đưa người bệnh đến cấp cứu tại bệnh viện.

Sau khi tiến hành thăm khám, trên các kết quả xét nghiệm người bệnh được chẩn đoán ngộ độc cấp, nghi do ngộ độc thuốc giảm cân. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực cho người bệnh. Tuy nhiên xác định người bệnh tình trạng ngộ độc rất nguy kịch, tim loạn nhịp nặng, có biểu hiện suy thận, hạ kali máu nặng.

Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã thống nhất phương án chuyển tuyến để điều trị cho người bệnh.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, việc giảm cân khoa học là sự kết hợp giữa chế độ ăn hợp lý và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Việc sử dụng các loại thuốc giảm cân đặc biệt là các loại thuốc giảm cân cấp tốc chưa được kiểm chứng là vô cùng nguy hại, tác dụng giảm cân chưa thấy nhưng tác hại về sức khỏe thì người trực tiếp sử dụng phải gánh chịu là rất lớn.

Nhập viện sau uống thuốc hạ sốt mua ngoài hiệu thuốc

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả vừa tiếp nhận chị B.K.D (29 tuổi, trú tại Phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, tức ngực, sẩn ngứa toàn thân sau khi uống thuốc hạ sốt tại nhà.

Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ 2 với thuốc Ibuprofen, được xử trí phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau xử trí, bệnh nhân đỡ khó thở, còn tức ngực nhẹ, các chỉ số sinh tồn ổn định và được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục theo dõi, điều trị.

2 giờ tiếp theo, bệnh nhân hết khó thở, hết tức ngực, đỡ ban sẩn ngứa ngoài da, các chỉ số sinh tồn ổn định. Quá quá trình theo dõi và điều trị trong 24 giờ, bệnh nhân đã được ra viện.

Theo lời kể của bệnh nhân, tối ngày 19/6, bệnh nhân bị sốt nên đã ra hiệu thuốc để mua thuốc. Bệnh nhân có khai với nhà thuốc là có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen nhưng nhân viên bán thuốc nói rằng Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt rất ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.

Khoảng 1 giờ sau khi uống 1 viên Ibuprofen 400mg, bệnh nhân thấy xuất hiện tức ngực, khó thở, nổi ban ngứa toàn thân. Bệnh nhân đã đến phòng khám tư và được xử trí tại đó. Sau xử trí, bệnh nhân hết khó thở, hết nổi ban ngứa, được bác sĩ tư vấn vào viện ngay để theo dõi và điều trị tiếp, nhưng bệnh nhân thấy đỡ nên không vào viện mà về nhà. Đến chiều ngày 20/6, bệnh nhân lại xuất hiện nổi ban ngứa toàn thân, kèm theo khó thở... lúc này bệnh nhân mới vào viện cấp cứu.

Qua trường hợp này, các bác sỹ khuyến cáo, phản vệ là một bệnh lý nguy hiểm, diễn biến nhanh, có nguy cơ tiến triển nặng, đặc biệt trên các đối tượng có tiền sử dị ứng.

Một số dấu hiệu nhận biết cơ bản như: Nổi ban ngứa ngoài da, khàn tiếng, khó thở, thở rít, tức ngực, đau bụng, nôn người dân cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn dùng thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà khi chưa được thăm khám.

Những người có tiền sử dị ứng phải thận trọng khi dùng thuốc, cần nói rõ với bác sỹ về tiền sử bệnh và dị ứng thuốc của bản thân để được kê đơn đúng thuốc, điều trị đúng phác đồ và hiệu quả.

Đọc thêm