Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác phổ biến kinh nghiệm vận hành - quản lý vận tải xe buýt” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cùng Tập đoàn Michinori Holdings thực hiện tại Hà Nội, được sự chấp thuận của UBND TP Hà Nội, JICA và Tập đoàn Michinori Holdings phối hợp với Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản".
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, giao thông công cộng cũng phát triển theo. Tuy nhiên, sự phát triển giao thông công cộng hiện nay chưa đạt được như kỳ vọng. “Với sự phối hợp của JICA Nhật Bản, mong rằng giao thông công cộng của Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và kỳ vọng của người dân”, ông Hải nói.
|
Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ tại hội thảo |
Theo số liệu từ ông Hải cung cấp, hiện Hà Nội có 4 loại hình vận tải công cộng là xe buýt, taxi, buýt nhanh BRT và đường sắt trên cao (sẽ vận hành thương mại vào quý 3/2019). Xe buýt hiện chiếm tỷ lệ hơn 12%, taxi 15%, xe đạp 2%, xe máy trên 60%. “So với nhiều nước khu vực, nhất là với những nước phát triển như Nhật Bản, tỷ lệ người dân đi xe buýt ở Hà Nội còn rất thấp”, ông Hải nhận định.
Cũng theo ông, Hải, dù tỷ lệ người dân Hà Nội đi xe buýt không cao, nhưng lại đang vất phải nhiều thách thức. Theo đó, Thủ đô hiện nay có 33 điểm ùn tắc giao thông. Việc ùn tắc này khiến mỗi năm có 180.000 lượt buýt bỏ tuyến, buộc đi sai lộ trình. “Điều này ảnh hưởng xấu đến tính hấp dẫn của xe buýt”, ông Hải nói và cho biết, đây là nguyên nhân khiến lượng người đi xe buýt có sự tăng trưởng chậm (6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng khoảng 1% so với năm 2018).
Ngoài ra, xe buýt còn phải cạnh tranh quyết liệt với các loại hình xe công nghệ mới như Grab, Uber… “Điều này làm cho lượng khách đi xe buýt ngày càng suy giảm, bị cạnh tranh gay gắt. Thay vì đi xe buýt như trước đây, nhiều người chọn Grab”, ông Hải nói và cho biết, Hà Nội rất cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước có hệ thống giao thông công cộng phát triển như Nhật Bản.
|
Nhiều đại biểu Nhật Bản đến tham dự Hội thảo |
Chia sẻ với Hà Nội, ông Atsushi Suto, Phó vụ trưởng phụ trách điều phối chính sách hợp tác Quốc tế, Vụ Chính sách Quốc tế (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) cho biết, chính Phủ Nhật Bản đang hợp tác nhiều chương trình phát triển giao thông tại Việt Nam trong đó có Thủ đô Hà Nội. “Ùn tắc giao thông đang là một vấn đề của Hà Nội, làm nảy sinh nguy cơ tai nạn, ô nhiễm, tiếng ồn. Chúng tôi mong muốn phối hợp, trợ giúp để Hà Nội giải quyết những vấn đề này”, ông Atsushi Suto nói.
Ông Takashi KoBayashi, Phó bộ phận hợp tác Quốc tế, Phòng xúc tiến dự án nước ngoài, Cục chính sách tổng hợp (MLIT) cho biết, các dự án giao thông công cộng tại Nhật Bản do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện vấn đề phê duyệt, quy hoạch, trợ giá với những tuyến buýt thua lỗ. “Ở Nhật Bản, xây dựng các điểm trung chuyển lớn như những quảng trường để người đi xe buýt, tàu điện, xe BRT… thuận tiện trong việc đi lại”, ông KoBayashi nói và cho biết, các điểm trung chuyển này được thiết kế đồng bộ, thống nhất, diện tích lớn.
Ông Jun Matsumoto, Tổng giám đốc Tập đoàn Michinori Holdings nhận định, giao thông công cộng Hà Nội đang có nhiều vấn đề cần giải quyết; với việc phát triển nhanh như hiện nay, nếu Hà Nội không phát triển mạnh giao thông đô thị thì tới đây sẽ còn ùn tắc trầm trọng hơn. “Chúng tôi mong muốn được chia sẻ để Hà Nội phát triển giao thông công cộng hơn nữa trong tương lai”, ông Jun Matsumoto nói và cho biết, ở Tokyo, 47% người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng, trong khi Hà Nội chỉ chiếm hơn 12%.
|
ông Jun Matsumoto -Tổng giám đốc Tập đoàn Michinori Holdings |
ông Jun Matsumoto cho biết, để người dân sử dụng các phương tiện công cộng nhiều hơn thì hạ tầng phải đáp ứng đủ nhu cầu, ngoài ra cần sự tiện lợi và kinh tế. “Thu nhập bình quân của người Tokyo là 57.000USD/năm, trong khi nếu đi ô tô thì mỗi năm tiêu tốn 11.500USD, còn đi các phương tiện công cộng chỉ hết 1.700USD”, ông Jun Matsumoto nói.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Transerco cho biết, những năm qua, các phương tiện cộng cộng ở Hà Nội phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, ông Nhật thừa nhận giao thông đô thị của Hà Nội cần phát triển thêm nhiều loại hình giao thông, nâng cấp hạ tầng. “Kinh nghiệm của Nhật Bản trong hội thảo hôm nay là rất bổ ích để Hà Nội phát triển giao thông đô thị”, ông Nhật nói.