Sai một ly, đi ngàn dặm
Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội) với sinh viên tại một số trường đại học năm học 2021, kết quả cho thấy có khoảng 65% tân sinh viên được hỏi thiếu hiểu biết cần thiết về ngành học mình đã lựa chọn, thậm chí khoảng 32% hoàn toàn không biết về mục đích và ý nghĩa của ngành học trước khi lựa chọn.
Hệ lụy này dẫn đến thực trạng có hơn 75% sinh viên đang hoang mang vì cảm thấy ít thoả mãn với lựa chọn ngành học của mình và phân vân theo đuổi ngành học này hay thay đổi, nên làm gì, tiếp tục hay chuyển hướng.
Theo Tiến sĩ Vũ Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Học viện Thành công, thực trạng đáng tiếc này do trước đó các bạn trẻ lựa chọn ngành nghề theo cảm tính hoặc theo phong trào, sai lầm khi chọn trường trước thay vì chọn ngành nghề trước. Nhưng cũng không ít người chưa hiểu rằng mỗi ngành cũng gồm rất nhiều nghề, mỗi nghề có thể làm việc trong nhiều ngành.
“Nghề nghiệp trong tương lai đang gắn liền với những ước mơ, hoài bão nhưng phải sớm đưa ra quyết định lựa chọn về nghề nghiệp theo từng cấp độ. Áp lực tâm lý từ gia đình đối với các học sinh là “phải chọn đúng” nhưng không có gì là tuyệt đối và nghề nghiệp cũng là sự phù hợp theo từng giai đoạn. Hướng nghiệp là cả một hành trình dài cả đời và sẽ có nhiều biến số, lựa chọn thay đổi khác”, bà Đỗ Như Hảo - Giám đốc Học viện Thành công chia sẻ. Cốt lõi của tất cả lựa chọn phải bắt đầu từ việc “thấu hiểu bản thân” và trả lời được câu hỏi “Tôi là ai” để biết bản thân mình phù hợp với lĩnh vực của các ngành, nghề nào trong suốt hành trình phát triển sự nghiệp.
Vì vậy, thay vì chọn nghề này hoặc nghề kia thì nên tìm kiếm ngành nghề mà kết hợp cả hai trong một bằng cách sử dụng các công cụ, thông tin hỗ trợ và hoặc tham vấn từ chuyên gia để có sự phân luồng định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất. Nếu nhận thấy mình đã chọn ngành không phù hợp thì vẫn còn có các lựa chọn khác nhau. Ví dụ, học luật nhưng thích marketing thì có thể làm chuyên viên luật trong công ty marketing hoặc nhân viên marketing tại công ty luật.
Theo ông Nguyễn Văn Linh - đồng sáng lập Youth Plus - Hệ sinh thái hướng nghiệp, kết nối việc làm cho giới trẻ, “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” theo quan niệm thời xưa để khuyên nên giỏi một nghề nào đó thật xuất sắc. Nhưng ngày nay chúng ta nên hiểu là cần biết bản thân giỏi về các kỹ năng nghề nghiệp nhất định nào để có thể lựa chọn làm bất cứ ngành nghề mới nào cần những kỹ năng hoặc tố chất đó. Bởi các loại nghề nghiệp ngày nay thay đổi rất nhanh.
|
Học sinh lớp 12 THPT Việt Đức Hà Nội trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. (Ảnh: Trường THPT Việt Đức Hà Nội) |
Hai tiêu chí cơ bản để lựa chọn ngành nghề
Kỳ tuyển sinh năm 2024 là năm cuối cùng mà tất cả 259 cơ sở đào tạo đại học trên toàn quốc áp dụng bộ 210 tổ hợp xét tuyển từ 9 trong 13 môn học bắt buộc của Chương trình giáo dục THPT cũ (áp dụng từ năm 2006) và các môn năng khiếu chuyên ngành (nghệ thuật, thể thao, báo chí). Bộ tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 vẫn chưa được Bộ GD&ĐT công bố nhưng sẽ rất khác so với hiện nay vì các môn học và môn tổ hợp của THPT đã thay đổi.
Quá trình lựa chọn định hướng nghề nghiệp của mỗi học sinh nên được bắt đầu ngay từ năm lớp 10 với việc phân luồng theo tổ hợp môn học lựa chọn duy trì trong cả 3 năm học THPT (thực hiện theo từng lớp với sự quy định của nhà trường). Các môn học lựa chọn này giúp học sinh tập trung hơn vào các tổ hợp đăng ký xét tuyển vào các bậc học kế tiếp theo các ngành nghề đào tạo liên quan từ kỳ tuyển sinh năm 2025 tới đây.
Theo đó, Nhóm Nghiên cứu (khối A, B hoặc C): Toán và môn tổ hợp KHTN (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Ngữ văn và tổ hợp môn KHXH (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Nhóm Thực tế - Kỹ thuật (khối A, B): môn tổ hợp KHTN, Toán, các môn công nghệ (Tin học, Công nghệ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Nhóm Xã hội (khối C, R): môn tổ hợp KHXH, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc các môn năng khiếu. Nhóm Nghệ thuật (khối H và V, M, N): Năng khiếu, Ngữ văn, Lịch sử. Nhóm Quản lý (khối C, A): Ngữ văn, môn tổ hợp KHXN, Toán. Nhóm Nghiệp vụ - Dịch vụ (khối D, A, C hoặc T): Ngoại ngữ, Địa lý, Toán.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, 9 môn học bắt buộc có tần suất được sử dụng khác nhau trong 210 tổ hợp thuộc 10 khối xét tuyển. Ngữ Văn (127 lần trong cả 10 khối), Toán (111 lần trong 9 khối), 7 môn Ngoại ngữ (111 lần trong 7 khối), Địa lý (28 lần trong 7 khối), Vật lý (28 lần trong 6 khối), Sinh học (23 lần trong 6 khối), Giáo dục công dân (23 lần trong 5 khối), Lịch sử (22 lần trong 7 khối), tổ hợp KHTN (21 lần trong 4 khối), tổ hợp KHXH (20 lần trong 6 khối), Hóa học (19 lần trong 5 khối).
Theo nghiên cứu của một công ty đào tạo trực tuyến, khi soi chiếu các tố chất bản thân từ lý thuyết và phương pháp trắc nghiệm của Tiến sĩ tâm lý John Lewis Holland với lựa chọn trong 6 nhóm nghề tổng quát có thể áp dụng đối với tất cả 1.310 mã ngành đào tạo đang tuyển sinh ở Việt Nam hiện nay. Các môn học để đánh giá năng lực của từng học sinh khi xét tuyển và phân luồng định hướng nghề nghiệp hiệu quả. Nếu có chỉ số đánh giá phù hợp cao với nhóm nghề nào đó, bạn thường có thế mạnh về một số môn học nhất định (theo thứ tự ưu tiên từ cao nhất) và các khối tuyển sinh.
|
Mọi lựa chọn trong tương lai đều đúng, nếu chưa đúng thì cũng chưa phải là cuối cùng. (Nguồn: 1001vieclam) |
Có nhiều người đang làm việc chính thức hoặc đam mê cùng nghề này nhưng lại kiếm sống chủ yếu nhờ thu nhập từ nghề khác. Để lựa chọn ngành nghề cần phải căn cứ theo hai tiêu chí cơ bản nhất đối với mỗi người - đó là sở thích và năng lực. Việc bạn thích là một ngành, nghề xuất phát từ ước mơ từ khi còn trẻ hoặc sự gắn bó, liên quan trong cuộc sống. Còn năng lực xuất phát từ những tố chất và kỹ năng của bản thân, cùng trình độ và kiến thức đã thu nhận được.
Nếu chọn nghề mình thích nhưng mình không có đủ năng lực phù hợp thì sẽ không thu được kết quả tốt, không thể hứng thú mãi được. Ngược lại đối với nghề mình không thích, mình sẽ không say mê để học hỏi, phát triển được. Nhưng chúng ta có thể cân bằng việc chọn một ngành và học hỏi phát triển một đam mê rồi chuyển dần đam mê đó thành nghề hoặc hãy tìm kiếm sở thích trong lĩnh vực mình đã chọn.
Mọi lựa chọn trong tương lai đều đúng, nếu chưa đúng thì cũng chưa phải là cuối cùng. Không có gì là sai, không bao giờ là muộn để thay đổi. Các bạn trẻ cần sắp xếp các lựa chọn, nguyện vọng khác nhau theo thứ tự yêu thích công việc mà mình mong muốn cũng như căn cứ theo khả năng thực sự của bản thân. Các bạn trẻ nên giữ tâm lý thoải mái nhất để tập trung vào học tập để có kết quả cuối cùng tốt nhất. Đồng thời thường xuyên chia sẻ với bố mẹ, thầy cô và tham vấn các chuyên gia để có những lời khuyên tích cực nhất. Cha mẹ cũng tránh áp đặt nghề nghiệp tương lai một cách cứng nhắc theo ý của người lớn, ngăn cản ước mơ tạo ra áp lực tâm lý tiêu cực trong suy nghĩ của các bạn trẻ tuổi teens.