Người trẻ đối diện với vốn, cơ chế
Trong số các câu hỏi được gửi đến Diễn đàn, có rất nhiều câu về khởi nghiệp, việc làm. Có bạn hỏi: “Làm thế nào để có 10 tỉ trong 1 tháng?”. Bạn Phan Đăng Khoa chia sẻ, công tác hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế các năm gần đây được các cấp bộ Đoàn quan tâm hỗ trợ, tạo được những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự quan tâm của thanh niên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã làm suy giảm kinh tế, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp, mất việc làm tăng cao. Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ thanh niên trong thời gian tới, tổ chức Đoàn có những giải pháp, định hướng như thế nào?
Đồng thời nhiều bạn trẻ cho biết, hiện nay nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp nhưng thiếu nguồn vốn và kinh nghiệm, tổ chức Đoàn hỗ trợ như thế nào để thanh niên vay vốn ưu đãi? Cũng như tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt, bạn Nguyễn Hoàng Nhung đã đưa ra một thực tế, thanh niên là công chức muốn lập nghiệp để nâng cao mức sống, nhưng do khó khăn về thời gian làm việc và những quy định trong thành lập doanh nghiệp. Từ đó, bạn hỏi có những chính sách nào giúp thanh niên là công chức có thể khởi nghiệp?
Bạn Trần Thị Ngọc Huyền cho rằng, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đang khiến nhiều công việc tay chân dần bị thay thế. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở những người lao động không có kỹ năng chuyên môn cao. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng nhân lực ngày càng cao, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng thích ứng nhanh với môi trường mới. Làm thế nào để xác định được mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với bản thân trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động?
Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cho rằng doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhân sự, nhưng lượng thanh niên thất nghiệp ở Việt Nam còn nhiều do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thực tế. “Tôi mong muốn rằng T.Ư Đoàn không chỉ dừng ở việc kết nối giữa các doanh nghiệp với thanh niên, mà còn tổ chức đối thoại để chia sẻ, động viên, hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động cho thanh niên nhằm trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm để có công việc ổn định, lâu dài hơn”, bạn Bùi Thị Nguyệt bày tỏ.
Bạn Ngô Lê Phương Linh, Bí thư Đoàn thị trấn Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ, đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp là chương trình lớn của T.Ư Đoàn. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên, thanh niên.
Tuy nhiên, từ thực tế, thanh niên thị trấn Châu Thành tiếp cận nguồn vốn vẫn còn hạn chế do tuổi đời còn trẻ, chưa có tài sản thế chấp. Việc tiếp cận thị trường đối với thanh niên nông thôn vẫn còn chưa hiệu quả nên khả năng tiêu thụ sản phẩm không nhiều. Các thanh niên lầm lỡ chưa có nhiều cơ hội được làm việc trong các cơ sở, công ty doanh nghiệp.
Gửi gắm đến Diễn đàn, Linh mong muốn Đoàn các cấp sẽ có thêm nhiều chính sách thiết thực và rộng mở hơn cho thanh niên với mong muốn được khởi nghiệp, lập nghiệp, nhất là cách tiếp cận vốn, thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời đại chuyển đổi số. Từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ khuyết tật, thanh niên lầm lỡ ở nông thôn. Qua đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò trách nhiệm của thanh niên đối với địa phương.
Làm sao để rút ngắn quá trình khởi nghiệp?
Chị Nguyễn Thu Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP AZMAX. (Ảnh: BTC) |
Trao đổi trong phần hiến kế tại Diễn đàn, bạn Vũ Thu Hằng (Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ một số suy nghĩ về Gen Z, những người trẻ hiện nay và mong muốn Đoàn đồng hành, hỗ trợ để Gen Z phát triển toàn diện.
Hằng cho rằng, Gen Z là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong thời đại công nghệ số. Họ có nhiều đặc điểm khác biệt so với các thế hệ trước, như: Khả năng thích nghi nhanh với công nghệ. Mong muốn học tập linh hoạt, chủ động về thời gian; tinh thần sáng tạo, phát triển không ngừng trong môi trường làm việc. Một khảo sát của nền tảng việc làm Linkedin cho kết quả 59% nhân viên Gen Z sẽ chủ động học thêm các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp để nắm bắt cơ hội làm việc và cải thiện thu nhập cá nhân. Khảo sát cũng cho thấy thế hệ Gen Z quan tâm đến tài chính và định hướng sự nghiệp cá nhân nhiều hơn hẳn những thế hệ trước đó.
“Từ đặc điểm của Gen Z cùng bối cảnh giáo dục và việc làm hiện nay, các bạn trẻ thế hệ mới rất cần được tạo môi trường thực tế, linh hoạt, cởi mở để học hỏi, chia sẻ và phát triển cùng nhau”, Vũ Thu Hằng bày tỏ.
Từ nhu cầu, đặc điểm của các bạn trẻ Gen Z, Vũ Thu Hằng đề xuất giải pháp thành lập các cộng đồng sinh viên chuyên ngành với sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ của Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên.
Theo Hằng, đây sẽ là môi trường để các bạn trẻ được hỗ trợ tối ưu về chuyên môn, nâng cao hiệu quả trong học tập và nghiên cứu với sự giúp đỡ, hướng dẫn từ các bạn sinh viên cùng ngành, anh chị đi trước và các chuyên gia trong lĩnh vực. Những sự chỉ dẫn và hỗ trợ cụ thể này là rất cần thiết trong thời đại khủng hoảng quá tải thông tin như hiện nay. Những cộng đồng chuyên ngành có thể giúp nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ khi đóng vai trò cầu nối giữa đội ngũ trí thức trẻ và các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan tuyển dụng đúng chuyên ngành trong từng lĩnh vực.
Những cộng đồng sinh viên chuyên ngành được thành lập sẽ tạo điều kiện cho các bạn trẻ được phát triển không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng làm việc thực tế qua việc tham gia các hoạt động, dự án, sự kiện chuyên ngành. Ví dụ, với sinh viên ngành Sư phạm, thì việc được tham gia một cộng đồng để học hỏi các thầy cô đi trước kinh nghiệm giảng dạy. Hay thực hành phát triển năng lực qua các dự án dạy học tình nguyện đều sẽ là những trải nghiệm rất quý giá.
Để tạo và duy trì hoạt động hiệu quả các cộng đồng sinh viên chuyên ngành, Hằng kiến nghị Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tại các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành, cùng lĩnh vực tăng cường giao lưu, trao đổi chuyên môn, đồng thời tận dụng nền tảng là cuộc thi chuyên ngành để kết nối các bạn đoàn viên, thanh niên trong cùng lĩnh vực. Đồng thời, hoạt động kết nối nên được triển khai cả hình thức online và offline để tận dụng sức lan toả của công nghệ và truyền thông số.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận kiến nghị thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành là giải pháp tốt để hỗ trợ nhau trong học tập, lao động sản xuất. Trao đổi về đề xuất của Vũ Thu Hằng, ông Bùi Quang Huy ghi nhận kiến nghị thành lập cộng đồng sinh viên chuyên ngành là giải pháp tốt để hỗ trợ nhau trong học tập, lao động sản xuất. Đồng thời tạo ra cộng đồng có ích, văn minh trên không gian mạng.
“Với mô hình này, chúng ta có thể dễ dàng trong việc chia sẻ học liệu, kinh nghiệm, phương pháp học tập cũng như động viên, hỗ trợ nhau về mặt tâm lý, tình cảm, các thành viên còn có thể giúp nhau định hướng về lý tưởng, nghề nghiệp việc làm… Tôi hy vọng, đây là mô hình tốt cho tổ chức Đoàn, Hội Sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu thực hiện”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy bày tỏ.
Là một doanh nhân trẻ, chị Nguyễn Thu Hương (Tổng Giám đốc Công ty CP AZMAX) chia sẻ, do khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, nên gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Nhưng với suy nghĩ “tuổi trẻ không có hai lần”, vượt qua những khó khăn, đến nay, Công ty CP AZMAX đã ứng dụng công nghệ AI, hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp một cách tinh gọn, mang lại hiệu quả kinh doanh tốt. Mong rằng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn có những hỗ trợ cần thiết để các bạn trẻ thuận lợi hơn trong khởi nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, vấn đề hỗ trợ bạn trẻ lập thân, lập nghiệp trước đây, hay khởi nghiệp, sáng tạo hiện nay đều là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn. Nhiệm kỳ này (2022 - 2027), Đoàn xác định việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một trong ba hoạt động đột phá. Ông Lương cho rằng, đây là vấn đề lớn, có tính chất căn cơ, Đoàn đã, đang, sẽ thực hiện nhiều công việc hỗ trợ. Cụ thể, theo Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong nhiệm kỳ này, T.Ư Đoàn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
“Chúng ta cần thực hiện tốt chương trình này. Tổ chức nhiều kênh diễn đàn để lắng nghe các ý kiến của các thanh niên khởi nghiệp. Kiến nghị cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách cần thiết để thanh niên khởi nghiệp vươn lên. Thứ hai, thông qua tuyên truyền, khích lệ, động viên thanh niên có ý chí, động lực vươn lên, ước mơ, khao khát khởi nghiệp. Lan tỏa nhiều câu chuyện tốt về khởi nghiệp sẽ kích thích tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên”, ông Lương nói.
Tới đây, T.Ư Đoàn sẽ phối hợp tổ chức một số hội nghị, lớp tập huấn để cung cấp các kiến thức, kỹ năng, giúp các đoàn viên, thanh niên chuẩn bị tốt hành trang khởi nghiệp; kết nối để hỗ trợ vốn, liên kết xã hội hoá… khích lệ, động viên, cộng hưởng chung về nguồn lực khởi nghiệp. T.Ư Đoàn cũng sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tôn vinh, khen thưởng các tấm gương thanh niên khởi nghiệp xuất sắc. Cùng với đó, tổ chức Đoàn sẽ tạo các diễn đàn để các tấm gương khởi nghiệp kết nối với nhau, kết nối với các mối quan hệ xã hội về nguồn lực… để có cơ hội rút ngắn quá trình khởi nghiệp…