"Nhất nông, nhì sĩ" xưa, nay

(PLVN) - Dẫn câu nói “nhất sĩ, nhì nông/hết gạo chạy rông/nhất nông, nhì sĩ”, chuyên gia nông nghiệp Hồ Xuân Hùng khẳng định, người Việt từ ngàn xưa đã tỏ tường vai trò của ruộng đồng, cấy hái... Và nay vẫn thế, hễ lúc khó khăn, trắc trở lại càng thấu hơn giá trị của nông nghiệp, nông thôn.

Không chỉ là lo đủ miếng ăn 

Năm Canh Tý vừa qua là một năm đáng nhớ với dịch bệnh, thiên tai dồn dập, kinh tế đình trệ… khiến chúng ta phải âu lo, trăn trở, nhưng trong bối cảnh đó nông nghiệp đã thể hiện là một “trụ đỡ”, là chỗ để chúng ta dựa vào, thưa ông? 

- Đến bây giờ, Đảng và Nhà nước ta vẫn khẳng định như vậy. Vì nông nghiệp không chỉ có trọng trách lo đủ cái ăn, cái mặc cho cả trăm triệu dân mà còn còn có nhiệm vụ phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung kinh tế đất nước.  

Chúng ta phần lớn sinh ra từ làng. Dịch Covid 19 vừa rồi cho thấy, khi người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… ở thành thị rồi người đi lao động ở nước ngoài bị mất việc thì nơi họ quay về nương tựa chính là nông thôn. Các cụ mình ngày xưa nói rất đúng: “nhất sĩ, nhì nông/hết gạo chạy rông/nhất nông, nhì sĩ”.  Từ xưa, người Việt đã định hướng cho mình như vậy, luôn xác định một chỗ dựa vững vàng lúc khó khăn, chính là nông nghiệp, nông thôn...

Không chỉ tạo ra của cải, nông thôn còn là nơi sưởi ấm tinh thần lúc gặp khó. Khi ấy, ta sẽ thấy rất rõ vai trò “cứu cánh” của nông nghiệp. Nó luôn là “trụ đỡ” là ở chỗ đó.  

Chuyên gia nông nghiệp Hồ Xuân Hùng.
Chuyên gia nông nghiệp Hồ Xuân Hùng. 

Xưa là vậy, còn giờ đây - ngay trong năm 2020 đầy biến động, nông nghiệp Việt Nam đã làm tốt cùng lúc 2 “gạch ngang” cơ bản đó là: Vừa đảm bảo an ninh lương thực; vừa sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế . Thành quả này có được do đâu, thưa ông?

- Năm vừa rồi, dịch Covid gây cho ta thiệt hại nặng nề, nhưng nông nghiệp vẫn là điểm sáng. Tăng trưởng 2,65% của ngành này trong năm 2020 chứng minh điều đó; ngoài ra, xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu, cán đích 41,25 tỉ USD. Trong khó khăn mà đạt được những thành quả như thế là kỷ lục chưa từng có! 

Tư duy nông nghiệp trước đây ở ta luôn là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Những năm gần đây, nông nghiệp đã thay đổi tư duy khi đặt giống lên hàng đầu. Bởi nó tạo ra sự đột phá năng suất, chất lượng trong phát triển nông nghiệp. Để có được thành công, tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do chúng ta chủ động tái cơ cấu nông nghiệp suốt nhiều năm nay. Xuất khẩu rau quả năm 2020 vượt lúa gạo và đạt con số hơn 3 tỉ USD - cho thấy tính hiệu quả của chương trình tái cơ cấu. 

Chúng tôi đã có dịp đi qua Tây Bắc và đã thấy rõ điều ông vừa nói. Có nghĩa giờ nhắc tới cây trái, người ta không chỉ nghĩ về Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… mà bắt đầu nghe tiếng đặc sản của Sơn La. Tại sao một nơi khó khăn như thế lại có thể chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành công, với nhiều nông sản dễ “hái” ra tiền như vậy?

- Đúng, Sơn La giờ là vựa trái cây của miền Bắc. Không ai có thể ngờ vùng đất dốc, là tái định cư của một nhà máy thủy điện, vốn đầy rẫy khó khăn nay lại thành nơi có thu nhập cao, từ 100 - 200 triệu đồng/ha, tạo ra sự phát triển cho địa phương. Khi còn là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, tôi đi chỉ đạo tái định cư dự án thủy điện ở đây, lúc ấy chỉ mong sao người dân có cuộc sống tốt hơn một chút, nhưng giờ được chứng kiến họ đang trở nên giàu có. 

Có được điều đó là nhờ đưa nhanh đươc một số cây, con giống mới vào sản xuất, tổ chức tiêu thụ tốt… từ đó người dân đồng hành với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là tổ chức lại các hợp tác xã. Tôi từng gặp khá nhiều Chủ nhiệm hợp tác xã, phần lớn được chọn từ những người nông dân giỏi của địa phương để đảm nhiệm. 

Có thể khẳng đinh, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chúng ta đang đi đúng hướng và đã bắt nhịp với xu hướng phát triển của thế giới. Trong những năm tới, nếu chúng ta tái cơ cấu ngành mà gắn được với phát triển nông thôn mới, thì sẽ giải quyết được tình trạng “ly nông không ly hương”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Nông nghiệp hàng hóa là tất yếu

Thưa ông, việc chọn được hướng đi như vừa đề cập là tiền đề quan trọng để chúng ta tiến tới một nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, từ đó khẳng định được vai trò quan trọng của ngành Nông nghiệp? 

- Trước, chúng ta thường chú tâm vào sản xuất mà quên khâu chế biến, bảo quản. 5 năm vừa rồi thành công lớn nhất của ngành Nông nghiệp chính là đã tập trung vào chế biến sâu, tổ chức lại thị trường. Chúng ta đã chuyển hướng sang một nền nông nghiệp sạch, an toàn, sử dụng công nghệ cao. Sản phẩm nông nghiệp đã dần đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong, ngoài nước, tiết giảm được chi phí, giá thành cạnh tranh hơn. 

Đáng nói, nông nghiệp sợ nhất là mùa vụ, nhưng do quan tâm chế biến sâu nên đã cơ bản khắc phục được áp lực này. Khi đã tổ chức tốt khâu này thì quẳng được áp lực về mùa vụ. Ví dụ, Tập đoàn MASAN gần đây khánh thành, đưa vào sử dụng tổ hợp chế biến thịt ở Hà Nam, Long An. Việt Nam giờ chỉ cần thêm 2 nhà máy cỡ này nữa thì cơ bản sẽ giải quyết được khâu thịt mát, khâu đông lạnh từ đó giảm áp lực cho ngành chăn nuôi nói chung. 

Ta không thể mãi sản xuất ra nguyên liệu thô, vì như vậy vừa giảm giá trị gia tăng vừa làm người tiêu dùng không tin vào sản phẩm. Thế nên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang làm nông nghiệp bằng những sản phẩm sạch, chế biến sâu. 

Ông có thể nói rõ hơn vai trò của doanh nghiệp đối với mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa, với nhiều giá trị gia tăng? 

- Chưa bao giờ có một “dòng thác” doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lớn đến như vậy, trong 10 năm đã tăng 4 lần. Nếu không có doanh nghiệp tham gia, chúng ta cứ bám vào kinh tế hộ rồi hợp tác xã thì còn lâu mới đạt được kết quả như hôm nay. 

Các doanh nghiệp đã góp phần rất lớn để ngành Nông nghiệp thể hiện được vai “trụ đỡ” của nền kinh tế. Doanh nghiệp đang đóng vai trò dẫn dắt để xây dựng thành công nền nông nghiệp hàng hóa. Trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, doanh nghiệp là “chiến sĩ” tiên phong. 

Ví dụ như ngành sữa, trước kia làm ăn không ăn thua, hầu hết phải nhập khẩu. Nhưng nhờ có các doanh nghiệp lớn đầu tư, bây giờ chúng ta không chỉ sản xuất đủ cho nhu cầu trong nước mà Việt Nam đang dần trở thành một trong những cường quốc sữa. Chúng ta không nhắc, không ghi ơn họ thì thực sự có thiếu sót trong ứng xử với các doanh nhân.   

Đề cập đến nông nghiệp cũng cần nói thêm một vế nữa, đó là nông thôn. Điều chúng tôi muốn bàn ở đây là chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương. Chủ trương này đã, đang giúp nông thôn phát triển bền vững, là nền tảng thúc đẩy nông nghiệp đi lên, thưa ông?

- Tôi không tưởng tượng được là đến cuối năm 2020, trên 65% xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu chỉ 50%). Cần phải nhớ quá trình phát triển đất nước này, nông dân đóng góp rất nhiều nhưng họ vẫn là khổ nhất. Những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã giải quyết được điều quan trọng - “trả nợ” ân nghĩa với nông dân. 

OCOP và Chương trình “mỗi xã mỗi sản phẩm” đã giải quyết được một số vấn đề ở nông thôn. Chương trình đã phát huy, gìn giữ được làng nghề truyền thống. Qua đó cũng giải quyết được công ăn việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nông dân. 

Bên cạnh chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra được danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia. Hiện nay 63 tỉnh, thành đã xong đề án “mỗi xã một sản phẩm” và đã phê duyệt sản phẩm chủ lực của địa phương. Chính có sản phẩm chủ lực và OCOP sẽ giúp việc chuyển đổi cơ cấu rõ ràng hơn, các địa phương dễ dàng khai thác các thế mạnh của mình hơn.  

Trân trọng cảm ơn ông! 

Đọc thêm