Thiết bị xuống cấp, tổng thầu kiện chủ đầu tư
Theo PVN, việc nhà thầu Power Machines (PM,Nga) - thành viên đứng đầu Liên danh Tổng thầu PM - PTSC bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách cấm vận toàn phần đã làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ công tác triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Long Phú 1.
Dự án này được khởi công từ đầu năm 2011, dự kiến hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5/2015, tổ máy số 2 vào tháng 9/2015. Khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện. Song đến nay sau 10 năm thực hiện, tiến độ xây dựng nhà máy mới đạt hơn 77%. Việc dự án chậm tiến độ có lí do khách quan, nằm ngoài tính toán của PVN.
Theo phân tích của PVN, đầu năm 2018, PM bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách cấm vận toàn phần đã khiến mọi thứ thay đổi, nhiều khó khăn, vướng mắc xảy ra vượt ngoài thẩm quyền quyết định của PVN nên phải báo cáo, trình và chờ chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, Chính phủ.
Theo Ban QLDA Long Phú 1, hiện tiến độ dự án chậm khoảng 22,44% so với hợp đồng EPC. Dự án vẫn đang dừng triển khai và các bên chỉ thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư, thiết bị để bảo quản lâu dài, nhằm tránh hư hại và thiệt hại phát sinh.
Việc dừng thi công trong thời gian dài ảnh hưởng đến chất lượng vật tư, thiết bị đang lưu kho bãi ở công trường, có nguy cơ phải thay thế mới, làm thiệt hại tài sản của chủ đầu tư nếu không có các biện pháp bảo quản hợp lý. Hiện các bên đã xác định các hạng mục cấp bách cần tiếp tục thi công đến điểm dừng kỹ thuật để bảo quản lâu dài gồm: sơn bảo quản vật tư thiết bị phần áp lực của lò hơi, lắp đặt mái che tạm lò hơi, lắp đặt tiếp hệ thống lọc bụi tĩnh điện và các chi tiết trôn ngầm của hệ thống khử lưu huỳnh, lắp đặt các thiết bị của cửa nhận nước.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc hiện tại của dự án, từ ngày 22/2/2019, PM đã thông báo dừng thực hiện hợp đồng EPC vì lý do bất khả kháng. Chủ đầu tư cũng đã có văn bản gửi PM thông báo không chấp nhận đây là trường hợp bất khả kháng. Ngày 23/8/2019, PM chính thức có thư thông báo khởi kiện chủ đầu tư và thành viên Liên danh PTSC lên Trung tâm trọng tài quốc tế tại Singapore. Sự việc này khiến chủ đầu tư vừa phải theo vụ kiện vừa phải tìm phương án khởi động lại dự án trình cấp thẩm quyền chấp thuận, đến nay vẫn chưa có phương án để tiếp tục tiển khai dự án.
Nỗ lực cứu dự án
Đại diện Ban QLDA cho biết, Tập đoàn/Ban QLDA đang tiếp tục đàm phán với nhà thầu PM về khả năng ký kết hợp đồng EPC mới để PM tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đoàn đàm phán của PM không thể đến Việt Nam như kế hoạch ban đầu. Đồng thời một số nhà cung cấp thiết bị chính của nhà máy đã từ chối sang Việt Nam trong giai đoạn này. Trong khi đó, kết quả sơ bộ đàm phán trực tuyến với PM gần đây cho thấy chưa khả quan.
Đó là chưa kể, vấn đề tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án cũng gây ảnh hưởng đến công tác triển khai dự án. Cụ thể, tổng mức đầu tư được phê duyệt năm 2010 lập trên cơ sở thiết kế kỹ thuật và mặt bằng giá quý IV/2009 nên thiếu nhiều đầu mục công việc và khối lượng so với thiết kế chi tiết, hầu hết đơn giá thấp hơn so với thực tế. Mặc dù PVN đã trình Bộ Công Thương thẩm định tổng mức đầu tư điều chỉnh nhưng đến nay đã gần 2 năm, công tác thẩm định của các Bộ, ngành diễn ra chậm.
Theo PVN, trong thời gian tới, để từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự án, Ban QLDA xác định triển khai những giải pháp như sau: Tiếp tục cùng Tập đoàn, Tổ công tác của Chính phủ đàm phán với PM để tìm kiếm giải pháp tiếp tục thực hiện dự án; cùng Tập đoàn báo cáo cấp thẩm quyền quyết định phương án tiếp tục triển khai dự án trong bối cảnh PM đang bị cấm vận bởi Chính phủ Mỹ; đôn đốc chỉ đạo các nhà thầu nghiêm túc thực hiện công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật, bảo vệ an toàn trên công trường cho các vật tư/thiết bị đã lắp đặt dở dang hoặc đang lưu kho, lưu bãi để bảo quản lâu dài…
Một dự án ngốn hàng tỷ USD đang rơi vào thế bế tắc do những yếu tố nằm ngoài ý muốn. Rõ ràng để những khó khăn sớm được tháo gỡ thì ngoài nỗ lực của PVN thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương.