Nhiệt điện Thái Bình 2: Tiếp thêm vốn cho dự án 'cán đích'

(PLVN) - Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư vừa gỡ được “nút thắt” về dòng tiền  để hoàn thành những phần việc cuối cùng trước khi vận hành, phát điện thương mại.
NMNĐ Thái Bình 2 đã được đầu tư hơn 32.000 tỷ, nếu không tiếp tục bơm vốn để thực hiện thì rất thiệt hại

“Chốt” phương án dùng vốn chủ sở hữu

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lần 2 là 41.799 tỷ đồng. Công trình đang bị “treo” khoảng 3 năm nay do thiếu vốn đầu tư. Theo quy định, dự án nói trên được góp vốn đầu tư theo tỷ lệ 30/70 (30% vốn chủ sở hữu của PVN, 70% vốn vay thương mại). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, tổng thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm, dẫn đến nhiều cá nhân liên quan bị khởi tố, điều tra.

Theo điều lệ của hợp đồng tín dụng, khi dự án liên quan đến vi phạm pháp luật, các tổ chức tín dụng sẽ dừng việc cho vay. Do đó, phương án 70% vốn vay tín dụng của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 bị “vỡ trận”, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đều ngừng việc cung cấp vốn cho dự án.

Chủ đầu tư PVN đã vay vốn thương mại và bỏ ra phần vốn 30% nhưng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu vốn của dự án. Tính đến hết quý I/2020, Dự án đã đạt hơn 85%. Theo báo cáo của PVN, dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng.

Để “giải cứu” tiến độ, PVN đề xuất phương án phá vỡ tỷ lệ góp vốn 30/70. Theo đó, thay vì dùng vốn vay tín dụng, PVN sẽ dùng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào dự án, với điều kiện không vượt quá tổng mức đầu tư. Đến khi nào vay được vốn tín dụng sẽ trả lại phần vốn PVN đã bỏ ra, để đúng mức quy định 30/70.

Tại cuộc họp vào giữa năm 2019 giữa Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và PVN, đại diện nhiều bộ, ngành và các đơn vị liên quan ủng hộ phương án dùng vốn chủ sở hữu của PVN để hoàn thành NMNĐ Thái Bình 2. 

Theo PVN, đến đầu tháng 4/2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chính thức cho phép PVN được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành. Quyết định về cơ chế tài chính cho Dự án này được thông qua trên cơ sở thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc của Dự án mới đây.

Sẽ băng băng về đích?

Như vậy, điểm nghẽn lớn nhất của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã được tháo gỡ. Vốn cho dự án đã được bơm, tạo thuận lợi để sớm về đích. 

Trao đổi với PLVN về việc các bước tiếp theo triển khai dự án, hôm đầu tuần, ông Nguyễn Huy Vượng - Trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo PVN cho biết, Hội đồng Thành viên PVN sắp tổ chức họp để bàn các nội dung liên quan đến việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện NMNĐ Thái Bình 2. “Dòng vốn đã có, tới đây công tác xây dựng sẽ được thực hiện, sớm đưa dự án về đích”, lãnh đạo Ban điện của PVN cho biết.

Được biết, từ khi xây dựng đến nay, PVN đã đầu tư vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 khoảng hơn 32.000 tỷ đồng, đã giải ngân. Nếu chỉ vì khối lượng dự án khoảng 15% còn lại không được đầu tư thì bài toán kinh tế nói trên sẽ bế tắc. “Hơn 32.000 tỷ đồng đã rót vào dự án, nếu dừng lại thì đau xót vô cùng”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN nói.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đi vào vận hành chính thức sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia thêm 7 tỷ kWh/năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế - xã hội.

Hầu hết các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành 

“Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, công suất 1.200MW,  gồm 2 tổ máy, mỗi tổ 600MW. Đến nay, tiến độ tổng thể đạt hơn 85%, trong đó, thiết kế đạt 99,57%;  ký các hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 81,98%, chạy thử đạt 3,51%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện”.

Đọc thêm