Quyết định vào đại học ngày càng khó khăn?
Theo tờ Fortune (Mỹ), trước đây, phần đông người trẻ Mỹ đều tin rằng đại học là con đường duy nhất dẫn đến một công việc tốt, ổn định và một cuộc sống hạnh phúc nhưng đến nay, đại dịch đã thay đổi suy nghĩ của họ. Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu National Student Clearinghouse, tỷ lệ tuyển sinh đại học đã giảm 8% trong giai đoạn 2019 - 2022, tức trong thời điểm đại dịch. Thậm chí ngay khi trường lớp thông báo quay lại học trực tiếp, tỷ lệ này vẫn tiếp tục đi xuống. Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng ghi nhận tỷ lệ tuyển sinh đại học tiếp tục sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục. Số lượng sinh viên đã đỗ đại học nhưng không nhập học cũng tăng cao đáng kể.
Trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia đã đưa ra cả hai yếu tố về vật chất và tinh thần. Yếu tố về chi phí thường là mối lo ngại hàng đầu, bao gồm học phí, chi phí ăn ở, đi lại, phục vụ học tập… ngày càng tăng cao. Ngay cả khi có các khoản hỗ trợ, khoản cho vay từ chính phủ, các tổ chức tín dụng, đây đang dần trở thành một áp lực nặng nề với sinh viên đại học. Các số liệu chính phủ ghi nhận khoản nợ sinh viên tăng vọt trong những năm qua. Trong khi đó, cơ hội về công việc trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng ngày càng hạn chế, khó nắm bắt hơn.
Đáng chú ý, trong những năm học trực tuyến và giai đoạn cách ly do đại dịch đã khiến nhiều sinh viên nhận ra họ có thể làm những công việc khác để kiếm tiền, lo toan cuộc sống mà không cần phải “bước chân” vào ngưỡng cửa đại học. Khi phải học tập từ xa, sinh viên vẫn phải làm việc. Nhiều người cảm thấy học không hiệu quả, và việc phải tốn thêm bốn năm, hoặc hai năm nữa, không hề hấp dẫn chút nào. Nhiều người trẻ đã chuyển sang làm việc bán thời gian hoặc chọn nghề nghiệp không yêu cầu bằng cấp để trực tiếp bước ra đời kiếm sống. Họ sẵn sàng làm việc tại các nhà kho của Amazon, kiếm thu nhập tạm thời tại các nhà hàng, cửa hàng tiện ích thay vì tìm kiếm cơ hội từ đại học. Theo Cục Thống kê Lao động, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông công lập và vào đại học ngay sau đó trên cả nước giảm từ 66% (năm 2019) xuống 62% (năm 2021).
Các nhà kinh tế cho rằng nếu kéo dài tình trạng này thì sẽ có thể tác động rất nghiêm trọng đến nền giáo dục và nền kinh tế - xã hội của quốc gia này. Tồi tệ hơn nữa, đây có thể là báo hiệu cho một thế hệ trẻ tuổi mất niềm tin vào giá trị của bằng đại học đối với cuộc sống của họ. Kéo theo đó sẽ là tình trạng thiếu lao động có bằng cấp, tay nghề, chuyên môn trong hầu hết các lĩnh vực từ văn hoá nghệ thuật, chăm sóc sức khoẻ đến khoa học, công nghệ, thông tin. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động của Đại học Georgetown, những người bỏ học đại học thường có thu nhập cả đời thấp hơn 75% so với người có bằng cử nhân. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế suy thoái, những người không có bằng cấp thường có khả năng bị mất việc làm cao hơn. Tuy nhiên, những cảnh báo này vẫn chưa đủ để thay đổi quyết định của hàng nghìn, hàng triệu học sinh.
Trong khi đó, “làn sóng” thiếu hụt lao động ở Mỹ hiện tại có thể sẽ khuyến khích nhiều người trẻ đi làm việc luôn thay vì theo đuổi tấm bằng đại học.
Đơn cử, tại bang Tennessee, một số nhà máy sản xuất mới được khánh thành đang thu hút nhiều lao động trẻ. Trong đó lớn nhất là nhà máy Ford trị giá 5,6 tỷ USD sản xuất xe tải điện và pin hứa hẹn sẽ tạo ra 5.000 việc làm ngay lập tức. Trong những nỗ lực nhằm đảo ngược tình trạng này, kể từ năm 2021, các quan chức giáo dục tại tiểu bang Tennessee đã phải đưa ra “lời kêu gọi hành động”, sau khi công bố số liệu báo động: chỉ có 53% học sinh tốt nghiệp trung học công lập ở bang này đăng ký vào đại học, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Để tìm kiếm câu trả lời, các quan chức giáo dục đã đi khắp tiểu bang vào năm 2022 và biết rằng việc dễ dàng có việc làm, cùng với nỗi lo nợ nần của sinh viên, đã khiến trường đại học trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các học sinh trung học.
Đáng lo ngại hơn nữa, số lượng học sinh da đen, gốc Tây Ban Nha và học sinh có thu nhập thấp ngày càng “xa lánh” đại học hơn. Cũng trong năm 2021, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học đăng ký vào đại học có gốc Tây Ban Nha và da đen lần lượt là 25% và 44%, thấp hơn so với học sinh da trắng cùng trang lứa. Đây thực sự là một cú sốc với tiểu bang này khi giới chức đã miễn hoàn toàn học phí tại các đại học cộng đồng trên toàn địa bàn vào năm 2014 để khuyến khích học sinh theo đuổi đại học và cải thiện cuộc sống.
Dù vẫn nhiều người lạc quan hy vọng rằng, điều tồi tệ nhất đã qua khi số lượng sinh viên năm nhất tại vào các trường cao đẳng, đại học Mỹ tăng nhẹ trong giai đoạn 2021- 2022 nhưng con số này, cùng với tổng số học sinh đăng ký vào đại học trên cả nước, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Công việc bán thời gian đang thu hút nhiều người trẻ Mỹ hơn ngưỡng cửa đại học. (Ảnh: New York Times) |
Giáo dục phải thích nghi với đời sống sinh viên
Trong khi chờ đợi sự thay đổi chính sách, một số trường đại học ở Vương quốc Anh đang điều chỉnh thời gian biểu để sinh viên có thể làm thêm nhiều hơn trong khi đi học, giúp họ phần nào trang trải cuộc sống, giảm bớt các gánh nặng chi phí. Cụ thể, một bài báo gần đây trên chuyên mục The Observer của tờ Guardian (Anh) cho biết, nhiều trường đại học đang “giảm số ngày sinh viên phải ở trong khuôn viên trường để có thể làm việc bán thời gian khi họ phải vật lộn để tồn tại với chi phí, cuộc khủng hoảng về cuộc sống”. Đồng tình, bà Clare Marchant, giám đốc điều hành của Dịch vụ Tuyển sinh Đại học và Cao đẳng, đã trả lời chuyên trang tin tức đại học toàn cầu – University World News, rằng: “Kỳ vọng sinh viên đại học năm nay rất khác so với các năm, khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang chiếm trọng tâm trí của họ, và gần 2/3 mong muốn phải làm một công việc bán thời gian cùng với việc học”.
Cũng theo University World News, các trường đại học này đang thử nghiệm các phương pháp giảng dạy khác nhau, đơn cử rút gọn các bài giảng và thực hành trong 2 – 3 ngày trong tuần, hay thay đổi thời gian giảng dạy tập trung vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Như vậy, sinh viên có thể kiếm được công việc bán thời gian vào những ngày, giờ ổn định trong tuần, hay thậm chí cả những công việc toàn thời gian. Đại học De Montfort ở Leicester là một trong số những trường đang thử nghiệm thời gian biểu mới để giúp sinh viên dễ dàng lên kế hoạch trước và có thể làm những công việc được trả lương cao hơn. Ngôi trường này bắt đầu thí điểm ý tưởng này vào năm ngoái trên một số khóa học và nhận được phản hồi tích cực.
Còn theo chuyên mục The Observer, Sunderland, Coventry và Roehampton ở phía tây nam London nằm trong số những trường đại học khác đã điều chỉnh thời gian biểu để tập trung dạy và học trong ít ngày hơn, tạo thuận lợi cho sinh viên đi kiếm việc làm thêm. Giáo sư Leigh Robinson, Phó hiệu trưởng Đại học Roehampton London, cho biết: “Học sinh của chúng tôi bao gồm những người đã làm cha mẹ, người chăm sóc, những người đầu tiên trong gia đình theo học đại học và những sinh viên trưởng thành. Họ cũng là những người cần thu nhập trong khi học. Chúng tôi đã thay đổi thời gian biểu của mình để giúp họ cân bằng giữa công việc bán thời gian, việc học và các cam kết khác”.
Tiến sĩ Diana Beech, Giám đốc điều hành của London Higher, tổ chức đại diện cho tiếng nói của các trường đại học ở thủ đô, nói với University World News: “Việc cung cấp giờ giảng dạy cô đọng trong giáo dục đại học không có gì mới và một số nhà cung cấp trên khắp London đã cung cấp chương trình giảng dạy phù hợp với cuộc sống của sinh viên trước đây bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay.”
Quả thực, kiếm tiền trong khi học không có gì mới ở Anh. Nhưng một số chuyên gia giáo dục đại học lo lắng việc bình thường hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên làm việc quá nhiều trong thời gian học có thể làm giảm sút chất lượng học tập. Về lâu dài, vẫn cần những giải pháp ở quy mô quốc gia để giải quyết những vấn đề hiện tại nhằm cải thiện môi trường giáo dục đại học ở nước này. Trong đó, những chính sách, gói hỗ trợ cho sinh viên đại học hiện cũng đang là một câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp.