Theo Dự thảo Nghị định về lệ phí trước bạ, đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) mức lệ phí sẽ là 20%. Lập luận mà cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính đưa ra là: "Để tiếp tục góp tăng thu cho ngân sách góp phần hạn chế sử dụng ô tô, xe máy, chống ùn tắc giao thông "…
Trong văn bán góp ý gửi Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức phí này là chưa hợp lý. Theo LS Trần Hữu Huỳnh, lệ phí trước bạ (LPTB) không có chức năng của một loại thuế để điều tiết thu nhập (TN) của nhân dân. Hơn nữa, đối tượng sử dụng ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay phần lớn là các DN nhằm phục vụ kinh doanh. Điều tiết TN của các DN là chức năng của thuế TNDN. Tăng LPTB với ô tô loại này là gây thêm khó khăn cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế.
Hơn nữa, tăng LPTB sẽ chưa hẳn hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người có điều kiện thì việc đóng LPTB không có vấn đề lớn. Song, đó lại là biện pháp làm tăng giá thị trường, góp phần gây ra lạm phát. Nếu nhìn ở bình diện thông lệ quốc tế, LPTB thường là một khoản nhỏ so với giá trị của tài sản đăng ký (bằng một khoản tiền nhất định hay bằng tỉ lệ % giá trị tài sản đăng ký)… "Nếu có, nên quy định một tỷ lệ % cụ thể để có sự thống nhất áp dụng trong toàn quốc… ", LS Huỳnh đề nghị. Đại diện TCty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho rằng, thực tiễn hiện nay người dân khi mua xe máy, ô tô đã phải nộp thuế GTGT và khi nộp LPTB cơ quan thuế thu LPTB căn cứ trên % tổng giá trị của cả xe và thuế GTGT là bất hợp lý. Nếu tiếp tục tăng LPTB (cùng với khoản thu bất hợp lý nói trên) thì mức thu quá cao sẽ làm mất đi tính chất và mục đích áp dụng của lệ phí trước bạ.
"Cho rằng tăng LPTB để hạn chế sự gia tăng của ô tô, giảm ùn tắc giao thông cũng là ý kiến không thực tế... " - Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐTV, Cty tư vấn VFAM Việt Nam lên tiếng. Theo ông Tiền, tỷ lệ 20% chỉ áp dụng với các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì vậy, người mua xe sẽ nhờ người thân đứng tên, mua xe ở tỉnh khác và đưa về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng. Điều đó đã xảy ra đối với phương tiện xe máy trước đây.
"Hiện nay, qua khảo sát ngẫu nhiên, cứ 10 chiếc xe máy lưu thông trên đường phố Hà Nội thì có tới 3 chiếc đăng ký ở tỉnh khác. Chúng ta không thể cấm ô tô, xe máy của tỉnh khác lưu hành ở Hà Nội, TP.HCM vì Hà Nội, TP.HCM là của cả nước, không phải của riêng ai… ", ông Tiền nói. Cũng theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, tăng LPTB sẽ không hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người nhiều tiền đủ sức chi hàng tỷ đồng để mua ô tô thì việc nộp LPTB với vài trăm triệu đồng không phải là khó khăn, song, đó lại là biện pháp làm tăng giá thị trường, "tiếp tay" cho lạm phát…
"Không nên giao cho LPTB những chức năng mà nó không có. Tăng thu cho ngân sách, hạn chế ùn tắc giao thông, điều tiết TN của những đối tượng có TN cao... phải được thực hiện qua những biện pháp khác… ", Luật gia Vũ Xuân Tiền đề nghị.
T. Lan