Nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm: Cần có niềm tin, không nên nghi ngờ

(PLO) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chia sẻ như vậy bên hành lang cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra sáng qua (18/10).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn
Trước dư luận nhiều cán bộ dưới 40 tuổi được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo quản lý ở một số địa phương, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng nên có cái nhìn khách quan, có niềm tin đối với trường hợp những cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý chứ không nên nghi ngờ.
Sẽ nâng tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý
Bộ Nội vụ đã kiểm tra và khẳng định việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo vào vị trí Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam là đúng quy trình. Song làm sao để khẳng định tân Giám đốc trẻ tuổi này “đạt ngạch chuyên viên chính khi chưa sát hạch”? Liệu đây có phải kẽ hở trong quy định pháp luật hiện hành quy định tiêu chuẩn lãnh đạo quản lý để các địa phương “lách” khi cần bổ nhiệm cán bộ?
- Qua kiểm tra việc bổ nhiệm cho thấy ông Bảo đáp ứng các tiêu chuẩn để bổ nhiệm như đã đạt ngạch chuyên viên chính (CVC), được đào tạo đúng chuyên ngành, thời gian công tác, kinh nghiệm  cơ sở… và việc bổ nhiệm là đúng quy trình.
Đạt ngạch CVC khác với bổ nhiệm ngạch CVC. Để được bổ nhiệm ngạch CVC thì  phải qua kỳ thi sát hạch cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Nhưng đạt ngạch CVC thì chỉ cần đã học qua các lớp về lý luận chính trị, quản lý nhà nước ngạch CVC, có thời gian công tác 5 năm, có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực, ngành, khả năng sử dụng máy tính và ngoại ngữ trong giao tiếp. Trong trường hợp của ông Bảo, ông đã đủ các điều kiện để đạt ngạch CVC. 
Như vậy, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp giám đốc sở và tương đương không nhất thiết phải là CVC?
- Theo quy định hiện hành thì đúng vậy. Khi bổ nhiệm các chức danh giám đốc sở và tương đương thì không nhất thiết phải được bổ nhiệm CVC mà chỉ cần đạt tiêu chuẩn của ngạch CVC. Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước mà Bộ đang dự thảo để trình Chính phủ thì có quy định rõ “phải được bổ nhiệm vào một ngạch nhất định” tương ứng với vị trí được bổ nhiệm. Theo đó, nếu muốn bổ nhiệm giám đốc sở thì đã phải được bổ nhiệm vào ngạch CVC. Như vậy để khẳng định, cán bộ phải rất giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ thì mới có thể đảm nhiệm vị trí hướng dẫn, kiểm tra khi được bổ nhiệm. 
Có phải quy định này là “nâng điều kiện” đối với các chức danh lãnh đạo quản lý vì thời gian qua, nhiều người  được bổ nhiệm nhưng “chưa đúng tầm”?
- Căn cứ để quy định này là vì mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, phấn đấu đạt nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, năng  động và hiệu quả. Để đạt tính hiệu quả của hoạt động công vụ thì một trong các yêu cầu đối với mỗi cán bộ trước khi thành lãnh đạo, quản lý thì phải vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ nhất  định. 
Không thanh tra việc “con cháu nhà ai”
Trước thềm Đại hội Đảng 12, nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ các địa phương. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào?
- “Trẻ hóa” đội ngũ cán bộ quản lý là điều đáng mừng, cho thấy Đảng, Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn trong việc đào tạo những người có kiến thức, năng lực tham gia bộ máy Đảng, Nhà nước. Song cần lưu ý, trẻ không căn cứ vào tuổi mà phải trẻ về tư duy, luôn đổi mới để đáp ứng thực tiễn, trẻ về tác phong, lề lối làm việc. 
Bên cạnh đó, cán bộ phải có trải nghiệm, kinh nghiệm công tác chứ không phải “trẻ hóa” cán bộ là vừa ra trường đã bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý. Cũng cần nói thêm rằng, nên có cái nhìn khách quan, có niềm tin đối với các trường hợp cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý chứ không nên nghi ngờ.
Thưa ông, phần lớn dư luận về việc bổ nhiệm cán bộ trẻ là do đa phần họ thuộc diện “con ông cháu cha”. Vậy làm sao để giải tỏa dư luận?
- Phải có cái nhìn toàn diện về việc bổ nhiệm cán bộ. Như ở Quảng Nam, trong số 176 người được bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp huyện, cấp sở thì rất nhiều người dưới 40 tuổi, thuộc nhiều thành phần khác nhau. Vậy đâu phải cứ “con ông cháu cha” mới được bổ nhiệm lãnh đạo. Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào truyền thông trong việc tuyên truyền để dư luận có cách hiểu đúng đắn, toàn diện.
Vậy khi dư luận ì xèo về việc các “con nhà nòi” được bổ nhiệm, đưa vào những vị trí chủ chốt thì Bộ có thanh, kiểm tra không?
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cán bộ là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ Nội vụ có thanh tra thường xuyên hàng năm và thanh tra đột xuất khi có vấn đề xảy ra (như việc bổ nhiệm  lãnh đạo cấp sở, cấp huyện vừa qua khiến dư luận quan tâm) để đảm bảo công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý công chức, viên chức… Thanh, kiểm tra là để xem việc bổ nhiệm có đúng quy trình, quy định, lựa chọn đúng người đủ phẩm chất, năng lực không… chứ không phải  xem đấy là con ai, cháu ai vì như vậy là thiên kiến.
Nếu so sánh với vị trí “bấp bênh” của 600 trí thức trẻ thuộc Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo thì dư luận về tình trạng chỉ “con ông cháu cha” mới được bổ nhiệm khi tuổi còn trẻ là có cơ sở chứ, thưa Thứ trưởng?
- Theo như báo cáo của Vụ Thanh niên (Bộ Nội vụ) thì tất cả 600 đội viên của Dự án đều được đưa vào quy hoạch những vị trí cao hơn, có vị trí công tác, được địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Khi Dự án kết thúc thì sẽ căn cứ vào năng lực, sở trường, cống hiến, quá trình rèn luyên, biểu hiện của các cán bộ trẻ này để xem xét đưa về làm việc ở các cơ quan cấp huyện trở lên nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Bộ Nội vụ vẫn thường xuyên theo dõi và đảm bảo quyền lợi về chính sách, chế độ cho các  đội viên. Đây là một Đề án có kết quả và hiệu quả. 
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng! 
Phải có kế hoạch điều chỉnh nếu vượt biên chế 
Theo Nghị quyết 39/CP của Chính phủ về tinh giản biên chế đến năm 2021, từ nay đến năm 2016 giữ nguyên, ổn định biên chế. Để thực hiện thì cùng với tăng cường quản lý biên chế, giải pháp mấu chốt là xác định thẩm quyền người đứng đầu trong tổ chức tinh giản biên chế và coi việc thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế là một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. 
Đồng thời thực hiện nguyên tắc “ra 2 vào 1”, nghĩa là chỉ được tuyển dụng 50% số lượng biên chế tinh giản và nghỉ; các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch xác định rõ chỉ tiêu, tỷ lệ tinh giản biên chế nhưng tối thiểu phải là 10%. Đối với những địa phương sử dụng biên chế vượt quá số lượng được giao thì phải có thêm phương án điều chỉnh số biên chế tăng thêm, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý biên chế.

Đọc thêm