Nhiều chuyển biến tích cực về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng

(PLVN) - Ngày 28/5, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế (INL) tại Hà Nội tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải (Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương) cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thu hồi tài sản tham nhũng (TSTN) và hợp tác quốc tế (HTQT) trong thu hồi TSTN đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu hồi TSTN đã được tăng lên. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã được nâng lên trên 34%. Trong đó, có những vụ án đã thu hồi tới 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do các đối tượng tham nhũng gây ra.

Đạt được các kết quả trên là do các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra xác minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; việc tăng cường HTQT để thu hồi tài sản được tẩu tán ra nước ngoài; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng và khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Tuy nhiên, trong PCTN, việc thu hồi TSTN và HTQT trong thu hồi TSTN còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp bởi số tiền tham nhũng thường bị thất thoát hoặc bị chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp; sự phối hợp với các cơ quan liên quan còn lúng túng; thời gian thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam còn bị kéo dài, nhiều trường hợp kết quả tương trợ chưa được như mong muốn; việc thực hiện yêu cầu tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, trả lại tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; trách nhiệm thẩm quyền thực hiện yêu cầu này chưa được xác định một cách rõ ràng trong khuôn khổ của pháp luật.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Công ước của Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) dành riêng Chương 5 quy định về thu hồi tài sản với những điều khoản rất quan trọng đặt ra những trách nhiệm, nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên trong việc triển khai thực hiện một cách nghiêm minh và có hiệu quả trên địa bàn lãnh thổ quốc gia mình. Do vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong thu hồi TSTN để tham khảo trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật đối với công tác PCTN nói chung và thu hồi TSTN nói riêng là rất cần thiết.

Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thiết thựcgiúp các cơ quan hữu quan của Việt Nam có thêm thông tin, tài liệu cần thiết để nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác tham mưu hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến thu hồi TSTN nói chung và HTQT trong thu hồi TSTN nói riêng.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đồng phát biểu khai mạc, ông Ryan McKean (Giám đốc Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế tại Hà Nội) và ông Patrick Haverman (Phó Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam) cho biết, họ rất vui khi được làm việc với nhiều cơ quan khác nhau của Việt Nam: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án, VKS… trong những hoạt động để nâng cao năng lực trong việc phòng chống tham nhũng. Theo 2 vị trên, Hội thảo là cơ hội để mở rộng hiểu biết, tăng cường hợp tác, chia sẻ bài học, kinh nghiệm và thành công của những quốc gia trên thế giới…

Báo cáo tại Hội thảo, ông Đinh Văn Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) cho biết, HTQT trong thu hồi TSTN đến nay đã đạt được một số thành tựu. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự kịp thời, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện hoạt động TTTP một cách thống nhất, đúng trình tự, thủ tục luật định.

Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan đầu mối về TTTP hình sự trong nước và nước ngoài được thiết lập và ngày càng chặt chẽ, giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động TTTP về hình sự. VKSND tối cao đã thiết lập và duy trì, áp dụng các biện pháp linh hoạt trong hợp tác thu hồi tài sản với cơ quan trung ương của một số quốc gia: Singapore, Indonesia… Đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến tình hình thực hiện ủy thác tư pháp với nhiều quốc gia: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc…

VKSND tối cao đã thực hiện tốt vai trò Cơ quan trung ương trong việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết các yêu cầu TTTP và xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về TTTP hình sự… Kết quả công tác TTTP hình sự thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thu thập chứng cứ, thông tin cũng như thực hiện các biện pháp tố tụng cần thiết một cách đầy đủ và kịp thời trong giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định TTTP hình sự ngày càng được quan tâm và đạt nhiều hiệu quả tích cực. Đến năm 2023, Việt Nam đã ký kết 26 Hiệp định TTTP điều chỉnh hoạt động TTTP hình sự, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản.

Phát biểu tại Hội thảo, đa số các đại biểu đánh giá cao Báo cáo về bố cục cũng như nội dung. Theo nhiều đại biểu, Báo cáo đã đem lại nhiều thông tin hữu ích, nêu đầy đủ các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, có những quy định liên quan về thu hồi TSTN, nêu các khuyến nghị, đề xuất cơ chế chính sách…/.

Đọc thêm