Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản nhằm hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung trước khi trình Chính phủ xem xét, thảo luận tại Phiên họp chuyên đề tháng 7/2019.
Nhìn nhận ưu, khuyết điểm của 2 phương án sửa đổi, bổ sung
Khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng nêu rõ, Luật Ban hành VBQPPL đã được Quốc hội thông qua vào năm 2015. Trong những năm qua, Luật đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý, tăng cường chất lượng của hệ thống VBQPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống VBQPPL còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là chưa đảm bảo tính đồng bộ, còn chồng chéo, quá trình ban hành chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng.
|
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng cho biết, trong những năm qua, Luật Ban hành VBQPPL đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý, tăng cường chất lượng của hệ thống VBQPPL |
Để khắc phục các tồn tại trên, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã đồng ý bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Theo ông Hưng, đến nay, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp đã hoàn thành thủ tục và trình Chính phủ Dự án Luật này. Với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã thẩm tra hồ sơ trình của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến Dự án Luật tại Phiên họp Chính phủ tháng 7.
Gợi mở một số vấn đề trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho hay, nội dung sửa đổi lớn nhất lần này là việc xác định cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
Dự thảo Luật đang được xây dựng theo 2 phương án, mỗi phương án đều có những ưu điểm và vướng mắc riêng. Cụ thể, phương án 1 quy định việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án. Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.
“Dẹp” tình trạng xuôi chiều
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, GS. TS Trần Ngọc Đường, sau vài năm thực hiện, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có một số hạn chế mà chủ yếu là chưa thể chế đầy đủ, sâu sắc nội dung và tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, ông Đường chỉ rõ những khiếm khuyết của Luật 2015 là các quy định của Luật về phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp không phù hợp; các quy định của Luật không coi việc xem xét thông qua luật là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước; chưa thể hiện đầy đủ vai trò của nhân dân trong hoạt động lập pháp; kiểm soát ủy quyền lập pháp chưa được quy định chặt chẽ để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của lập pháp ủy quyền.
Thực tiễn đã có một số dự án luật có chất lượng không cao, như Bộ luật Hình sự, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sau khi ban hành không được dư luận xã hội đồng tình, cần phải kiểm điểm, quy trách nhiệm thì không chỉ ra được một cách cụ thể. Bởi vậy, ông Đường ủng hộ quan điểm cơ quan soạn thảo dự án luật phải chịu trách nhiệm chính, như thế cũng phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, GS.TS Hoàng Thế Liên thì thẳng thắn cho rằng, Dự thảo Luật không nên đưa 2 phương án mà cần tập trung khẳng định phương án 1. GS Liên lý giải, phương án 2 chưa khắc phục được sự bất hợp lý hiện nay và cũng chưa thực hiện hết yêu cầu của Ban Bí thư. Bên cạnh đó, trong giai đoạn trình Quốc hội, có chính sách trong dự án luật, pháp lệnh thay đổi so với ban đầu nhưng Chính phủ chưa có quyền rút dự án mà chính sách đã bị thay đổi cơ bản. Ngoài ra, phương án 1 cũng tránh được tình trạng xuôi chiều, nể nang, dễ dãi trong thông qua các dự án luật, pháp lệnh.
Lắng nghe các ý kiến sâu sắc, đầy trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo này mà Bộ Tư pháp là đối tượng thụ hưởng chính. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Ban soạn thảo, Thứ trưởng cam kết ghi nhận đầy đủ các góp ý, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để chỉnh lý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật, góp phần xử lý được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, hướng đến mục tiêu cuối cùng là có được hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, thống nhất, chi phí tuân thủ thấp.
|
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cam kết ghi nhận đầy đủ các góp ý, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để chỉnh lý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật |
Nhận thấy nhiều ý kiến mong muốn lần sửa đổi, bổ sung này sẽ xử lý được triệt để các vấn đề vướng mắc nhưng Thứ trưởng chia sẻ, phạm vi sửa đổi, bổ sung còn phải tính đến mục đích mà trong đó cần tập trung mạnh vào hoàn thiện quy trình lập pháp. Các nội dung khác sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu vì Luật cũng mới có hiệu quả thi hành được hơn 3 năm, chưa đầy đủ thực tiễn để sửa toàn diện Luật này. Đánh giá Luật Ban hành VBQPPL có rất nhiều nội dung, quy trình mới cần phải quyết tâm làm cho bằng được, Thứ trưởng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “chủ trương có 1 thì biện pháp phải có 10 và quyết tâm phải 20” thì công tác xây dựng pháp luật mới tốt lên được.