Nên quy định “có trình độ cử nhân luật”
Một trong những tiêu chuẩn bắt buộc, quan trọng để bổ nhiệm Thừa phát lại (TPL) được Dự thảo Nghị định kế thừa các quy định hiện hành là phải có bằng cử nhân luật. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Thắng, cố vấn pháp lý, Văn phòng TPL Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì quy định này vô hình loại ra khỏi “cuộc chơi” những người có trình độ tương đương cử nhân luật. “Những năm 1980, 1990 trở về trước, khi chưa được quy chuẩn của ngành giáo dục thì rất nhiều người có bằng được cấp theo tên của cơ sở đào tạo. Thực chất đó là tấm bằng tương đương với cử nhân chỉ khác tên gọi. Do đó, nếu quy định phải có bằng cử nhân luật là cứng nhắc. Thực tế tại Văn phòng TPL Hai Bà Trưng đã có trường hợp có cả bằng Thạc sỹ Luật nhưng vẫn bị từ chối”. Từ những phân tích này ông Thắng đề nghị Dự thảo nên quy định tiêu chuẩn “có trình độ cử nhân luật” thay vì có bằng cử nhân luật để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm TPL. Đồng tình, ông Phạm Anh Toàn, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt câu hỏi, quy định như vậy thì cả người tốt nghiệp Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát cũng không đủ tiêu chuẩn làm TPL?
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương đánh giá cao nhiều quy định của Dự thảo. Đặc biệt là việc chuẩn hóa đầu vào để nâng cao chất lượng đội ngũ TPL. Tuy nhiên, bà Xuân Hương cho rằng, việc quy định chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật là rất khó xác định, khó chứng minh. Nên thay bằng quy định không có tiền án. Ông Anh Dũng, Phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội bổ sung: Thực tế TPL khi đi tống đạt giấy tờ, xác minh thi hành án vẫn còn tình trạng xã, phường từ chối xác minh, từ chối xác nhận vào văn bản niêm yết... do đó, cần phải có điều khoản quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp xã trong mối quan hệ phối hợp với TPL.
Nên coi vi bằng là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự
Theo Dự thảo Nghị định: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự, hành chính; là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật...”. Ông Phạm Quốc Thắng cho rằng nên quy định vi bằng là nguồn chứng cứ trong cả các vụ án hình sự. Nếu chỉ quy định dân sự và hành chính sẽ là bỏ sót. Đơn cử, một vụ va chạm giao thông, TPL có mặt để ghi nhận sự kiện, sau đó vụ việc được khởi tố thì cần xem vi bằng đó là chứng cứ trong điều tra, truy tố, xét xử. Ủng hộ quan điểm này, ông Hoàng Chương (VKSND TP Hà Nội) cho rằng, trong tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định rõ các nguồn chứng cứ, vi bằng cũng là một tài liệu thu thập, ghi nhận sự kiện nên coi đó là nguồn chứng cứ.
Ủng hộ nhiều quy định của dự thảo nhưng Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đề nghị cần bổ sung nguyên tắc Nghị định phải quy định những điều kiện thuận lợi nhất về tổ chức và hoạt động để TPL ổn định và phát triển. Phó Chánh án gợi ý, đối với những tỉnh miền núi khó khăn về nhân lực, có thể xem xét luật sư có thể hành nghề TPL được không vì ở những nơi này chưa có các văn phòng TPL.
Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định được nhiều ý kiến tán thành là quy định mở rộng phạm vi lập vi bằng ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt Văn phòng TPL so với quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngoài việc tống đạt văn bản của cơ quan Tòa án và cơ quan thi hành án, Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt của TPL theo hướng: TPL được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự; thực hiện tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.