Nhiều cô đỡ vùng cao bỏ nghề vì làm việc không phụ cấp

(PLO) - Cô đỡ thôn bản là loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do các khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Dù phụ cấp chỉ là 200 nghìn đồng/1 tháng nhưng khi địa phương không có khả năng cân đối được ngân sách thì chế độ này bị cắt. Vì vậy, nhiều cô đỡ vùng cao đã phải bỏ nghề. 
Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ sau sinh tại nhà.
Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ sau sinh tại nhà.

25 năm trước, tỉ lệ tử vong mẹ ở nước ta khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần hiện nay. Ở vùng sâu, vùng cao, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở đồng bào S’tiêng (tỉnh Bình Phước) lên đến 1.018/100.000 trẻ đẻ sống.

Việc các thai phụ sinh tại nhà, đặc biệt không được cán bộ y tế đỡ đẻ là một nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng tại các tỉnh miền núi hiện nay, tỷ lệ đẻ tại nhà lại chiếm khá cao từ 40 - 60%, trong đó tỉnh Lai Châu là 59%, Điện Biên 55%, Lào Cai 53%, Hà Giang 45%, Sơn La 42%... 

Suốt hơn 20 năm qua, Liên minh Châu Âu (EU) luôn đồng hành cùng Bộ Y tế trong nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em thông qua việc hỗ trợ một loạt các dự án và chương trình. Hỗ trợ hoạt động cô đỡ thôn bản là một trong những hợp tác quan trọng này. Kể từ năm 2014, Phái đoàn EU hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế giai đoạn 2: Hướng tới công bằng và chất lượng của dịch vụ y tế tại Việt Nam với nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp 100 triệu Euro. Đây được coi là hỗ trợ lớn nhất của EU cho ngành Y tế tại châu Á.

Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế nhằm giúp xóa bỏ đói nghèo bền vững và duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm ở Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng phù hợp với chiến lược ngành Y tế tập trung vào 10 tỉnh nghèo nhất Việt Nam: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Gia Lai, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, và Đắk Nông.

Sau nhiều năm triển khai, hoạt động của các cô đỡ thôn bản đã giúp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; sử dụng dịch vụ chăm sóc thai nghén cao hơn; các thai phụ có nguy cơ được phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời tránh được các tử vong không đáng có.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tỷ suất tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 58 phần nghìn năm 1990 xuống còn 21,8 phần nghìn năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4 phần nghìn xuống còn 14,5 phần nghìn.

Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, từ khi cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm đến nay đã có 2.755 người đang hoạt động tại 8.165 thôn bản khó khăn. Họ là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng tại địa phương, được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản... Vì vậy, đây được coi như một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính làm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ làm mẹ an toàn.

Được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế ở vùng sâu, vùng xa nhưng chế độ đối với đội ngũ cô đỡ thôn bản hiện vẫn chỉ mang tính động viên, khuyến khích. Thậm chí, có không ít cô đỡ thôn bản được ví như “người vác tù và hàng tổng”. Do đó, hiện nay nhiều cô đỡ thôn bản đã giải nghệ với lý do không có phụ cấp.

Nguyễn Thị Lành - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Cao Bằng cho biết: “Chủ trương đào tạo cô đỡ thôn bản của Bộ Y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa là giải pháp phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chỉ 200.000 đồng/tháng là quá thấp. Hơn nữa từ năm 2017 đến nay, cô đỡ thôn bản ở nhiều tỉnh không nhận được nguồn trợ cấp này nữa. Việc này đã gây khó khăn cho ngành Y tế trong việc động viên các cô đỡ nhiệt tình tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thai phụ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện mới chỉ có các tỉnh: Điện Biên, Ninh Thuận, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang thực hiện cân đối ngân sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản 200 nghìn đồng/tháng theo Quyết định 57/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là chưa tính tới trường hợp, một khi địa phương không có khả năng cân đối được ngân sách thì chế độ này sẽ bị cắt. Như trường hợp tỉnh Hà Giang, từ năm 2017 đã phải cắt chế độ hỗ trợ dành cho cô đỡ thôn bản. Vì thế, nhiều cô đỡ thôn bản đã nghỉ việc. 

Phố Cáo là xã biên giới của huyện Đồng Văn (Hà Giang) có diện tích tự nhiên lên tới 37,23km2 (tương đương khoảng 3.723ha). Toàn xã có khoảng 5.000 nhân khẩu (92% dân số là dân tộc Mông), sinh sống tại 18 thôn bản; đường giao thông nối các thôn bản còn rất khó khăn. Phố Cáo có 3 cô đỡ thôn bản thì nay đã có 2 cô đỡ thôn bản nghỉ việc. Do đó, chính sách duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản cần được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, tạo động lực để đội ngũ này học tập, nâng cao kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đối với đồng bào người dân tộc thiểu số.

Đọc thêm