Chàng sinh viên mang hy vọng thoát nghèo cho người vùng cao Yên Bái

(PLO) - Nguyễn Thanh Bình, chàng trai 22 tuổi, hiện là sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang mang hy vọng thoát nghèo cho bà con xã vùng cao Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Nguyễn Thanh Bình với Dự án Trang trại Gà Hơ’Mông. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thanh Bình với Dự án Trang trại Gà Hơ’Mông. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thanh Bình sinh ra và lớn lên ở Cát Thịnh, một xã miền núi, vùng cao có tới 11 dân tộc anh em chung sống như Kinh, Tày, Nùng, Hơ’Mông… Đây cũng là một xã thuộc vùng 135 – xã đặc biệt khó khăn có dân tộc thiểu số sinh sống.

Bình là anh cả trong gia đình có hai anh em, bố mẹ bán hàng tạp hóa nuôi con ăn học. Ngay từ nhỏ Bình đã có ý chí thoát nghèo nên luôn chăm chỉ học tập, phấn đấu vào đại học để về góp phần cải thiện đời sống người dân nơi "chôn rau cắt rốn".

Tại Cuộc thi Khởi nghiệp cùng khoa Kinh tế năm 2017 (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Bình giành giải Nhì với dự án Gà Hơ’Mông và giải ba với Dự án chim Bồ câu; Tại Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, Bình đạt giải Ba với dự án Gà Hơ’Mông; Đặc biệt, tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2017 (Do phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam VCCI phối hợp với báo diễn đàn doanh nghiệp tổ chức), Bình đã giành giải Nhất với Dự án Trang trại Gà Hơ’Mông Yên Bái.

Nguyễn Thanh Bình được trao giải nhất trong Cuộc thi Quốc gia khởi nghiệp 2017 và nhận giải thưởng Mai An Tiêm đầu tiên cho dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thanh Bình được trao giải nhất trong Cuộc thi Quốc gia khởi nghiệp 2017 và nhận giải thưởng Mai An Tiêm đầu tiên cho dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất. Ảnh: NVCC

Bình cho biết, Dự án mà Bình đặt nhiều tâm huyết nhất đó là Trang trại Gà Hơ’Mông Yên Bái, ý tưởng về dự án Xuất phát từ niềm đam mê chăn nuôi giống gà đặc sản của đồng bào người Mông trên quê hương, mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển sản xuất tại địa phương, tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

"Em đang thực hiện dự án trên quy mô các hộ gia đình liên kết sản xuất và cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng. Em cũng đang thực hiện nuôi giống và cung cấp cho người chăn nuôi trong thôn bản đển họ tiếp cận được con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau đó em sẽ thu mua lại gà thương phẩm và tìm đầu ra cho bà con”, Bình chia sẻ. “Thời gian tới, em có kế hoạch mở rộng quy mô lên 1 - 2 ha để làm trại giống và cung cấp giống, hướng đến thị trường rộng hơn, tìm hướng đi mới cho bà con”.

Bình còn rất năng nổ tham gia các hoạt động đoàn ở trường cũng như hoạt động tình nguyện trong Hội Sinh viên tình nguyện Yên Bái tại Hà Nội. 

Khác với số đông sinh viên ngoại tỉnh, sau khi học tập tại Hà Nội thường muốn ở lại Thủ đô hoặc tới các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm, Bình ấp ủ ý định về quê lập nghiệp. Bình cho biết, ở Cát Thịnh, người nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu tự cung tự cấp, chưa có khả năng đưa các mặt hàng nông sản trở thành hàng hóa. Nhiều người dân ở quê phải bỏ ruộng nương để đi làm thuê nơi khác.

"Em muốn sống ở quê để gần gia đình, để thành công từ nơi mình sinh ra. Em muốn chứng minh, nếu biết phấn đấu và sáng tạo, thì sẽ lập nghiệp và làm giàu được ở chính quê hương mình”, Bình nói.

Đọc thêm