Nhiều cơ hội mới mở ra cho hàng Việt vào Liên bang Nga

(PLO) - Là đối tác chiến lược và bạn hàng thân thiết của nhau, trong hơn 14 năm qua, Việt Nam và Liên bang Nga đã có những bước tiến vượt bậc trong quan hệ ngoại giao cũng như quan hệ kinh tế - thương mại. 
Nhiều cơ hội mới mở ra cho hàng Việt vào Liên bang Nga
Năm 2015, mối quan hệ song phương của Việt Nam và Liên bang Nga nói riêng cũng như mối giao thương giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) nói chung tiếp tục được nâng lên tầm cao mới khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) chính thức được ký kết. Các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho hàng Việt vào Liên bang Nga.
Nước Nga có tổng dân số trên 140 triệu người, là một trong 8 nền kinh tế lớn trên thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội đạt 1.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 12.000 USD/năm. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga những mặt hàng phục vụ tiêu dùng như: gạo, thủy hải sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ và nhập khẩu từ Nga những mặt hàng phục vụ sản xuất như: xăng dầu, sắt thép, phân bón.
Năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Dự kiến hai nước sẽ đạt kim ngạch thương mại khoảng 3 tỷ USD vào năm 2013 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Vì chú trọng phát triển các ngành công nghiệp nặng như: dầu mỏ, khí đốt, chế tạo máy nên hiện các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ của Nga như hàng tiêu dùng, may mặc đòi hỏi nhiều nhân công chủ yếu đều nhập từ nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho các công ty, doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh về các mặt hàng này. 
Bên cạnh đó, Nga là cửa ngõ quan trọng của thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu, khi đã xây dựng được uy tín với thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Đông Âu cũng rất nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thì thị trường Nga tuy hấp dẫn nhưng hiện cũng tồn tại không ít khó khăn. Trong đó, những khó khăn lớn nhất là thủ tục thanh toán không thuận lợi, doanh nghiệp Việt thiếu hụt thông tin thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, xét trên mặt bằng chung, hoạt động thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là chủng loại hàng hoá còn nghèo nàn. Đa phần hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có mặt tại các thành phố lớn, chứ chưa thực sự thâm nhập được vào các địa phương khác của Nga. 
Có một thực tế là các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng đến việc mở văn phòng đại diện, showroom trưng bày hàng hóa tại thị trường này cũng như thiết lập mối quan hệ với hệ thống nhà phân phối, doanh nghiệp Việt Nam tại Nga. 
Ông Thanh Sơn nhấn mạnh thêm: Không trực tiếp tiếp xúc với thị trường, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ cơ hội thường xuyên theo dõi nắm vững những biến đổi và nhu cầu người tiêu dùng để kịp thời có những điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Điều đó cũng lý giải vì sao hầu hết các tập đoàn, công ty lớn đều có văn phòng đại diện trên khắp thế giới. 
Ngoài việc có thể trực tiếp quản lý và giám sát hệ thống phân phối cho hàng hóa của mình, các văn phòng đại diện này còn có chức năng nghiên cứu phân tích thị trường, tiến hành các chiến dịch quảng cáo, tham gia triển lãm, kiểm tra, phân định thị trường, theo dõi tiến độ thực hiện hợp đồng của các đối tác.
Bên cạnh đó, một vướng mắc nữa của các doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga là hệ thống phân phối hàng hóa của Nga vẫn chưa thực sự phát triển. Khác với Mỹ và các nước Tây Âu thường có hệ thống phân phối hoàn thiện thì để đưa được hàng hóa đến tay người tiêu dùng Nga, doanh nghiệp phải thông qua rất nhiều nhà phân phối khác nhau. 
Không kể những rủi ro về uy tín, hiệu quả, độ bền vững và ổn định của nhà phân phối thì việc phụ thuộc vào nhà phân phối trong khi doanh nghiệp không có điều kiện sâu sát thị trường cũng sẽ tạo ra không ít mạo hiểm cho bản thân doanh nghiệp. 
Vì vậy, sự ra đời của Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva - cầu nối giao thương giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga – sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt giải quyết vấn đề pháp lý và là đầu mối cho các doanh nghiệp Nga tìm được các bạn hàng Việt Nam. 
Sắp tới, nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng FTA để giúp doanh nghiệp “đi tắt đón đầu” khi Hiệp định có hiệu lực, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và ngân hàng BIDV đã trình Thủ tướng sáng kiến tổ chức một loạt hoạt động xúc tiến thương mại giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga. 
Theo đó, Hội chợ - Bán hàng Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015 diễn ra từ 12/11 đến 12/12/2015, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Mátxcơva sẽ là sự kiện quan trọng nhất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tiếp cận thị trường Liên bang Nga và Liên minh, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm bạn hàng, quảng bá sản phẩm thương hiệu và từng bước xây dựng mạng lưới đại lý phân phối tại chỗ. 
Việc tổ chức Hội chợ được Thủ tướng chính phủ giao cho Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh, BIDV, INCENTRA và Hiệp hội các nhà DN Việt Nam tại LB Nga. Để hưởng ứng sự kiện này, các đơn vị như Vietnam Airline, Ngân hàng BIDV và công ty Incentra sẽ có nhiều hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ.
Để biết thêm thông tin về hội chợ, doanh nghiệp có thể liên hệ Hotline: 0965 945 666, hoặc Mrs Hà Phương, số điện thoại 093 687 2188; Mr Hoàng Đình Phương, số điện thoại: 0966 458 217; Mr Phạm Văn Tú, số điện thoại: 0936 719916. Hoặc gửi email về địa chỉ lehaphuong@incentra.com.vn và theo dõi trên website http://hoicho2015.incentra.com.vn

Đọc thêm