Nhiều công trình nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật Quân sự được áp dụng vào thực tiễn

 Ngày 15/9/2011, theo thông lệ, các trường đại học trong quân đội sẽ tổ chức khai giảng. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo PLVN đã trao đổi với Trung tướng, GS. TSKH Phạm Thế Long - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng (tên giao dịch dân sự là Đại học Kỹ thuật Lê Qúy Đôn).
Ngày 15/9/2011, theo thông lệ, các trường đại học trong quân đội sẽ tổ chức khai giảng. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo PLVN đã trao đổi với Trung tướng, GS. TSKH Phạm Thế Long - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng (tên giao dịch dân sự là Đại học Kỹ thuật Lê Qúy Đôn).

Trung tướng, GS.TSKH Phạm Thế Long (bìa phải) trao bằng Thạc sĩ cho học viên

Thưa Trung tướng, Học viện có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. 5 năm qua, Học viện đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học. Vậy các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) của Học viện được áp dụng vào thực tiễn như thế nào?

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài các cấp, 5 năm qua, Học viện đã triển khai áp dụng toàn bộ hoặc một phần kết quả của đề tài vào thực tiễn thông qua hình thức dịch vụ khoa học công nghệ. Cụ thể, Học viện đã thực hiện được 451 hợp đồng dịch vụ KHCN với tổng doanh thu 76 tỷ đồng, tạo ra hàng trăm khối vật tư kỹ thuật phục vụ sửa chữa cho các khí tài tên lửa, ra đa, tác chiến điện tử của Quân chủng Phòng không Không quân (PK-KQ) Hải quân, Binh chủng Tăng-Thiết giáp…

Đồng thời, bước đầu đã chế tạo được sản phẩm, phục vụ hiệu quả cho công tác huấn luyện chiến đấu, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật sử dụng rộng rãi trong các đơn vị quân đội và các đơn vị dân quân tự vệ, các nhà trường trong toàn quốc như các giá thử phục vụ sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhà máy của Tổng cục Kỹ thuật, Quân chủng PK-KQ, Hệ thống thông thoại trên tàu chiến, xe chỉ huy binh chủng tăng-thiết giáp, sản phẩm máy bắn tập MBT-03…

Học viện cũng đã chủ trì tư vấn cho nhiều dự án quan trọng của Quân đội với tổng mức đầu tư lớn, có độ phức tạp cao về công nghệ như Dự án 45 xây dựng cụm công nghiệp quốc phòng phía Nam…; Dự án quy hoạch cầu cảng quân sự toàn quốc giai đoạn 2005-2010; Dự án cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia gia đoạn 2; Dự án thiết kế chế tạo thử nghiệm bộ code bảo mật kết nối hệ thống Parol hiện có trong trang bị trên tàu hải quân; Dự án tích hợp các hệ thống chiến đấu trên tàu 1241-RE…

Trung tướng có thể cho biết về hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN?

- Học viện đã xây dựng kế hoạch hợp tác với Quân chủng PK-KQ, Quân chủng Hải quân về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, khai thác làm chủ các vũ khí trang bị kỹ thuật mới, tham gia dự án cải tiến tên lửa, ra đa, tích hợp hệ thống(tích hợp vũ khí trên tàu chiến, tự động hóa chỉ  huy…). Trong năm 2009, Học viện đã phối hợp với Quân chủng PK-KQ tổ chức thành công lớp bổ túc kỹ sư về khai thác tổ hợp tên lửa S300PMU1 cho các cán bộ kỹ thuật của Quân chủng và Học viện…

Từ năm 2006-2010, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã chủ trì 9 đề tài, tham gia 3 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì hàng chục đề tài cấp Bộ, ngành…Các tập thể và cá nhân của Học viện đã được tặng thưởng 9 Bằng khen cấp Bộ Quốc phòng; 2 giải Nhì, 1 giải Ba, một giải Khuyến khích Giải thưởng Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Huy chương Đồng tại Triển lãm Sáng tạo Quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Seoul-Hàn Quốc năm 2008; Giải Ba Giải thưởng Nhân tài đất Việt; Giải Nhì Giải thưởng Trí tuệ Việt Nam…

Hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đào tạo được hơn 200 tiến sĩ, hơn 4.000 thạc sĩ, hàng trăm học viên chỉ huy tham mưu kỹ thuật cấp chiến thuật-chiến dịch, bổ sung, đóng góp vào xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao cho toàn quân.   

Về hợp tác quốc tế, Học viện đã có hai nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KHCN cấp Nhà nước theo Nghị định thư với Liên bang Nga và Ucraina; đã có các ký kết văn kiện hợp tác và triển khai các nội dung cụ thể với các đối tác có công nghệ  nguồn về vũ khí trang bị kỹ thuật như Belarus, Cộng hòa(CH) Séc, CH Slovakia…. 5 năm qua, hàng chục đoàn các nhà khoa học từ các nước Belarus, Séc, Slovakia, Singapore, Israel… đã đến tham quan Học viện, giới thiệu năng lực công nghệ, tạo cơ hội hợp tác cho các chuyên gia. Học viện cũng đã tổ chức hàng chục lượt cán bộ ra nước ngoài, thực hiện các nội dung KHCN cụ thể bằng nguồn kinh phí tự khai thác. Bước đầu đã thiết lập được quan hệ hợp tác KHCN với Đại học Quốc phòng Bruno của Séc dưới hình thức nhận cán bộ cùng tham gia NCKH.

Thưa Trung tướng, trong lĩnh vực đào tạo, Học viện chú trọng công tác gì?

- Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, do đó, ngoài việc đổi mới công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất,công tác phát triển đội ngũ cán bộ đầu ngành như Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS), Tiến sĩ (TS), đội ngũ sĩ quan-chuyên môn-kỹ thuật được Học viện chú trọng đặc biệt. Đảng ủy Học viện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư đến năm 2015. Ban Giám đốc chỉ đạo sát sao cơ quan cán bộ và cơ quan quản lý KHCN lập kế hoạch chi tiết phát triển đội  ngũ GS, PGS đến từng khoa và có các giải pháp khuyến khích giáo viên, nghiên cứu viên phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chức danh. Trong giai đoạn 2006 -2010, Học viện có 1 GS, 20 PGS được bổ nhiệm. Thời gian qua, mặc dù có sự chuyển đổi thế hệ, nhiều GS, PGS, TS nghỉ hưu, song Học viện vẫn duy trì được tỷ lệ đội ngũ GS, PGS cao so với các trường đại học kỹ thuật.  Hiện Học viện có 3 GS, 56 PGS và 273 TS, chiếm tỷ lệ 33,8% tổng số giáo viên.

Trung tướng có thể cho biết các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo?

- Nhằm nâng cao chất lượng, trong những năm qua, Học viện có quan hệ hợp tác KHCN và kỹ thuật quân sự với các nước khác nhau. Học viện đã xây dựng và thực hiện Chương trình liên kết đào tạo hai giai đoạn với Trường Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Bauman(LB Nga). Giai đoạn 1 học tại Học viện. Giai đoạn 2 sẽ đào tạo ở trường đối tác. Hiện nay đã thực hiện được 3 khóa đào tạo liên kết với tổng số 74 học viên.

Học viện đã chú trọng phát triển và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học kỹ thuật-công nghệ hàng đầu của các nước trên thế giới. Đến nay, Học viện đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, trao đổi học thuật, hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ với một số trường đại học lớn của Liên bang Nga như Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Bauman, Đại học Hàng không Matxcơva; 4 trường đại học lớn của Trung Quốc là Đại học KHCN Nam Kinh, ĐH Giao thông Tây An, ĐH Khoa học Công nghệ Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và với Học viện Quốc phòng Bruno-CH Séc. Học viện cũng khai thác được một số nguồn học bổng của nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ để cử nhiều học viên đi học theo các chương trình đào tạo dài hạn, nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…

Các lưu học sinh học tập đạo học và sau đại học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp về đều nộp lại các luận văn, luận án và các tài liệu về khoa học kỹ thuật. Hiện nay, thư viện của Học viện đang lưu trữ trên 14.000 trang tài liệu,  nhiều luận án tiến sĩ, luận văn tốt nghiệp.

Ngoài ra, Học viện đã và đang tổ chức đào tạo kỹ sư quân sự cho nước bạn Lào và Campuchia. Hiện số học viên đang theo học là 114; Học viện cũng đang triển khai thực hiện Đề án thành lập Trường Đại học Việt - Nga.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Trung tướng Phạm Xuân Hùng -Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam:

Phải gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất

 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX về xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đòi hỏi phải luôn có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị phương tiện Quân đội ngày càng hiện đại, có năng lực bảo trì, tăng hạn và “thông minh hóa” vũ khí; đồng thời tập trung xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng phục vụ cho đường lối chiến lược quân sự của Đảng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Học viện cần thực hiện tốt chiến lược phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng đến năm 2020, đặc biệt phải gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất; tổ chức triển khai thực hiện tốt “Chiến lược phát triển Học viện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, phát huy tốt tiềm lực con người, thực hiện chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo trong những năm tới, phát huy trình độ năng lực đội ngũ giáo viên, hệ thống quản lý, tiếp tục khẳng định và giữ vững uy tín của Học viện trong quá trình xây dựng và phát triển. Mở rộng quy mô đào tạo đại học và sau đại học, đặc biệt là những ngành mà Học viện có thế mạnh phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... 

Lam Hạnh

Đọc thêm