Nhiều địa phương ngóng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

(PLO) - Trong khi Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc — Nam thì nhiều địa phương đang háo hức mong chờ dự án sớm được thực hiện. 
Kinh phí quá lớn đang là trở ngại để hoàn thành sớm đường sắt cao tốc Bắc Nam. (Ảnh minh họa)

Đi qua 20 tỉnh với 23 nhà ga

Theo Bộ GTVT, hiện nay liên danh tư vấn TEDI- TRICCTEDIS đang triển khai gói thầu tư vấn xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Báo cáo giữa kỳ sẽ được trình lên Bộ này vào cuối tháng 6, báo cáo cuối kỳ sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay. Sau đó, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ vào cuối năm nay.

Thông tin từ liên danh tư vấn cho biết, dự án đường sắt sẽ được xây dựng hoàn toàn mới, phần lớn song song với đường sắt hiện có, chỉ có đoạn từ Hà Tĩnh đến Đồng Hới được mở rộng ra phía biển, nơi có địa hình bằng phẳng hơn. Do đó, khả năng đoạn này sẽ đi qua một số khu vực đô thị. Đường sắt mới sẽ có khổ 1435mm, đường đôi, tổng chiều dài 1.542km, đi qua 20 tỉnh, thành với 23 nhà ga.

Để đảm bảo cho tàu chạy được tốc độ cao, sẽ có khoảng 50-60% chiều dài tuyến đi trên cầu cạn, cầu vượt sông, không giao cắt đồng mức với đường bộ. Diện tích chiếm dụng đất rộng khoảng 50m, gồm đường sắt và hành lang bảo vệ.

Mới đây, để thống nhất hướng tuyến xây dựng tuyến đường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã làm việc với một số địa phương mà dự án đi qua như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam…

Trước sự khẩn trương vào cuộc triển khai các công việc tiền khả thi dự án của Bộ GTVT, theo quan sát của PLVN, các địa phương có dự án đi qua đều đồng tình, sẵn sàng phối hợp với Bộ GTVT để triển khai dự án, mong mỏi từng ngày dự án sớm được thực hiện, hoàn thành để người dân được hưởng lợi. 

Địa phương háo hức ra sao?

Ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết, lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Định rất ủng hộ dự án này. Mới đây, đơn vị tư vấn vừa đến tỉnh khảo sát, cập nhật quy hoạch của tỉnh để điều chỉnh hướng đi của dự án qua tỉnh cho phù hợp.

Theo ông Dũng, khi dự án hoàn thành, người dân Bình Định sẽ được hưởng lợi. Khi đó, thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn lại, tiết kiệm chi phí. Ông Dũng cho biết, người dân Bình Định làm ăn, sinh sống ở TP HCM khá đông, với chiều dài hơn 600km tuyến Bình Định – TPHCM, người dân phải mất từ 10 đến 11 tiếng đồng hồ di chuyển bằng đường bộ. Nếu tuyến đường sắt cao tốc hoàn thành, với tốc độ tối đa lên đến hơn 300km/h thì chỉ cần 2-3 tiếng đồng hồ là đã đến nơi. Dự kiến, chiều dài tuyến đường sắt này đi qua tỉnh Bình Định là hơn 100km.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đến làm việc với tỉnh. Bộ và địa phương đều nhất trí phương án, hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyến đường đi thẳng qua các khu dân cư, đặc biệt là khu đô thị để hạn chế kinh phí giải phóng mặt bằng, nhưng phải làm sao vẫn đảm bảo kỹ thuật cho tuyến đường. “Địa phương rất mong Đảng, Chính phủ thực hiện tốt dự án để người dân nơi đây sớm được hưởng lợi”, ông Dũng chia sẻ. 

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đang cùng với Bộ GTVT bàn bạc về hướng tuyến và vị trí xây xây dựng nhà ga dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi. Theo ông Phương, liên danh tư vấn đề xuất hướng tuyến đường sắt cao tốc gần như chạy song song về phía Tây so với đường sắt hiện tại, qua địa phận các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Đức Phổ; có những đoạn gần với đường bộ cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Về vị trí ga, một số phương án đã được lựa chọn, trong đó thống nhất sẽ bố trí vị trí ga tại TP Quảng Ngãi, trong đó có phương án cách ga hiện tại hơn 2km về phía Tây. “Địa phương mong muốn dự án sớm được triển khai, đưa vào sử dụng”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết.

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở GTVT Nam Định cho biết, tỉnh này rất quan tâm đến dự án này bởi Nam Định là địa phương có vị trí địa lý không mấy thuận tiện nếu tính theo trục Bắc – Nam. Quốc lộ 1A chạy thẳng Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa mà không vòng vào Nam Định. Tuy nhiên, với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ vòng vào địa phận tỉnh Nam Định sau đó mới qua Ninh Bình và hướng vào phía Nam. Do đó, lãnh đạo Sở GTVT Nam Định cho biết, cả chính quyền và người dân nơi đây đều chờ đợi dự án này, hứa hẹn giúp Nam Định kết nối cao tốc với các tỉnh phía Nam, tạo điều kiện để tỉnh phát triển kinh tế. 

Sau năm 2050, khai thác tàu cao tốc 350km/h Theo chiến lược phát triển đường sắt, từ năm 2020 đến năm 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160-200 km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai. Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h.  

Đọc thêm