UBND tỉnh Kiên Giang mới tổ chức hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành chủ trì hội nghị.
Hội nghị được trực tuyến với Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố và ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc. Tham gia còn có các Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung, Lê Quốc Anh.
Năm 2022, Kiên Giang đã hoàn thành 20 nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đang triển khai thực hiện 144 nhiệm vụ, trong đó có 124 nhiệm vụ trong hạn. Đối với nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở, ngành và địa phương, đã hoàn thành 2.998 nhiệm vụ, chiếm trên 81%; đang thực hiện 688 nhiệm vụ, chiếm gần 19%. Có nhiều đơn vị chuyển biến tích cực, thực hiện nhiệm vụ đúng hạn, đạt chất lượng, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá đây là năm thành công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với nhiều điểm sáng. Lần đầu tiên kể từ năm 2015, tất cả 24/24 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh giao, trong đó 14 chỉ tiêu vượt, 10 chỉ tiêu đạt. Có 4/15 huyện, thành phố như Rạch Giá, An Biên, An Minh, Gò Quao hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; các địa phương còn lại hoàn thành từ 82% chỉ tiêu kế hoạch trở lên.
Trong đó, về phục hồi và phát triển kinh tế, đã bám sát quan điểm “Lấy nông nghiệp làm nền tảng, nhất là chú trọng nuôi trồng thủy sản; phát triển dịch vụ du lịch để bứt phá; thúc đẩy công nghiệp - xây dựng nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng, đặc biệt là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm”. UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kịch bản với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để điều hành từng quý, 6 tháng và năm; đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với diễn biến tình hình. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.
GRDP cả năm ước đạt 7,7%, vượt kế hoạch đề ra 6,02%, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016. Giá trị tuyệt đối GRDP vượt kế hoạch gần 1.500 tỷ đồng, giúp cho quy mô nền kinh tế - tổng sản phẩm GRDP đạt 68.436 tỷ đồng, tiếp tục nằm trong Top đầu của khu vực, xếp thứ 02/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người đạt 66,24 triệu đồng, tăng 8% so với kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề quyết định việc tăng tốc để tạo đà cho 2 năm cuối nhiệm kỳ. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn và thách thức đan xen.
Tuy nhiên, với tinh thần càng khó khăn thì phải cố gắng nhiều hơn, tiếp nối đà phục hồi và phát triển năm 2022, bám sát chủ đề năm 2023 của chính phủ là đoàn kết kỷ cương bản lãnh linh hoạt chủ động sáng tạo và kịp thời có hiệu quả; Và chủ đề của Tỉnh ủy “Tập trung nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”.
Quang cảnh hội nghị |
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu từng Ủy viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: khẩn trương cụ thể hoá các nhiệm vụ, chỉ tiêu, ban hành phân công xây dựng kế hoạch thực hiện, các sở ngành phải làm song song, và giao Sở kế hoạch đầu tư tiếp thu tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn thành, ban hành trong tháng 1; Văn phòng UBND tỉnh phải tổng hợp tiếp thu ý kiến của các thành viên, rà soát lại các chỉ tiêu phân công nhiệm vụ; đối với 15 huyện thành phố phải phê duyệt kinh tế xã hội ngay từ đầu năm; Sở kế hoạch và đầu tư sắp xếp công việc làm sao trong tháng 1 phê duyệt hết kinh tế xã hội của 15 huyện thành phố; Thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện, phát hiện hạn chế bất cấp để chỉ ra khắc phục; đối với UBND cấp huyện, xã nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền trong lãnh đạo điều hành toàn diện, nhất là bức xúc xảy ra trên địa bàn, bức xúc liên quan quyền lợi của người dân.
Các địa phương phối hợp tốt với chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phòng mặt bằng đảm bảo tiến độ đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho cấp dưới, tăng cường bám sát cơ sở; tăng cường công tác phối hợp trong nội bộ, các cơ quan, để làm tốt nhiệm vụ. Công tác phối hợp với Đoàn đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân, mặt trận đoàn thể làm tốt nhất là công tác giám sát, phản biện; từ đó làm tốt công tác kiến nghị của cử tri, giải quyết các kiến nghị của cử tri kịp thời.