Nhiều giải pháp nâng chất lượng dạy học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Yên Bái có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống; nhiều trẻ khi vào lớp 1 khả năng nói, diễn đạt bằng tiếng Việt còn chậm. Việc tăng cường dạy học tiếng Việt cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số là nền tảng quan trọng giúp trẻ tự tin, học tốt hơn.
Nhiều giải pháp nâng chất lượng dạy học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu, 90% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo; 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng DTTS được tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt...

Giáo viên căn cứ vào thực tế số lượng trẻ còn hạn chế tiếng Việt để xem xét thời lượng tăng cường tiếng Việt trong ngày; linh hoạt sử dụng các tình huống dạy trẻ tiếng Việt.

Giáo viên căn cứ vào thực tế số lượng trẻ còn hạn chế tiếng Việt để xem xét thời lượng tăng cường tiếng Việt trong ngày; linh hoạt sử dụng các tình huống dạy trẻ tiếng Việt.

Theo Đề án, sẽ tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Đề án được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người DTTS thuộc 7 huyện có đông đồng bào DTTS đó là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn.

Trường Mầm non xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) có 26 giáo viên phụ trách 322 trẻ (trong đó có 320 trẻ là người Mông). Ở đây, hầu hết các trẻ đều chưa nói sõi tiếng Việt.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Suối Giàng cho biết, để học sinh có thể nói được tiếng Việt ngay từ nhỏ, nhà trường thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao. Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm ngọng cho trẻ...

Cùng với đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên viết bằng chữ in thường lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt…

Một giờ học chữ lớp 5 tuổi của cô và trò tại điểm trường mầm non ở huyện Văn Chấn.Một giờ học chữ lớp 5 tuổi của cô và trò tại điểm trường mầm non ở huyện Văn Chấn.

Nhờ vậy, hàng năm, nhà trường đều huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt, có kỹ năng cơ bản khi vào lớp 1.

Còn tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành (huyện Văn Chấn) có 441 học sinh, trong đó 438 học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tiếp thu tiếng Việt cho các em, tạo thuận lợi cho việc giảng dạy của giáo viên.

Đặc biệt, từ khi dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (thuộc tổ chức KOICA, Hàn Quốc) được triển khai tại trường, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh được thuận lợi hơn.

Theo dự án, đối với lớp 1, 2, mỗi lớp sẽ có thêm một trợ giảng, trợ giảng là người tại địa phương và được hỗ trợ gần hai triệu đồng/tháng. Mỗi trợ giảng có vai trò là cầu nối, người truyền tải thông tin giữa giáo viên và học sinh.

Theo trợ giảng Lò Thị Oanh, khi được đứng trên lớp cùng giáo viên và học sinh, cô thấy có khoảng cách lớn bởi không cùng tiếng nói chung. Cụ thể, giáo viên khó khăn trong việc truyền tải tri thức cho các em, còn học sinh muốn học nhưng không hiểu thầy cô đang nói gì. Chính nhờ có trợ giảng mà hoạt động dạy và học mang lại hiệu quả cao, các em đã tự tin hơn trong giao tiếp.

Thầy giáo Trịnh Văn Toán - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành cho biết, do các em chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khó khăn lớn nhất của học sinh khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập.

“Từ khi tỉnh triển khai đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và dự án nâng cao khả năng tiếp cận tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số tại trường với nhiều hỗ trợ và hoạt động thực tế đã giúp các em tự tin giao tiếp”, Thầy giáo Trịnh Văn Toán nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho rằng, trên địa bàn huyện có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để các em có thể nói thành thạo tiếng Việt ngay từ nhỏ, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng mô hình thư viện tại trường; tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp.

Đến nay, 100% trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Văn Chấn được tăng cường tiếng Việt; hơn 90% trẻ trên 5 tuổi có thể nghe, hiểu và trả lời bằng tiếng Việt.

“Cùng với nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi luôn cụ thể hóa đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ năm học của các cấp học, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương”, ông Minh nhấn mạnh.

Thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các trường học duy trì mô hình thư viện tại trường, ngày hội đọc sách và hội thi giao lưu tiếng Việt; khuyến khích các thầy cô giáo đề xuất ý tưởng, cách làm mới về tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

Đồng thời, bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt.

Song song với đó, nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm gắn với học tiếng Việt cho học sinh để các em thành thạo tiếng Việt, tự tin tham gia hoạt động chung của trường…

Cùng với Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, học sinh được học tập trung tại điểm trường chính, tỷ lệ học sinh bán trú tăng lên thì Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn hứa hẹn sẽ giảm thiểu tình trạng trẻ em người DTTS thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng vì hạn chế tiếng Việt. Từ đó sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng cao, vùng DTTS, góp phần nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh.

Đọc thêm