Nhiều giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật

(PLVN) - Tham dự Phiên họp triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chiều 10/2, các thành viên Hội đồng đã đưa nhiều giải pháp thiết thực với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng.

Thảo luận tại Phiên họp, thay mặt Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Ngô Sách Thực đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 theo hướng cụ thể hoá trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động PBGDPL.

Ông Thực cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với MTTQVN và các tổ chức thành viên trong triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật; chỉ đạo chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí hơn nữa cho công tác tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vai trò của MTTQVN và các tổ chức thành viên.

Nêu một số khó khăn trong bố trí kinh phí PBGDPL, nhất là ở các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đưa ra các giải pháp như tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Luật PBGDPL nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức, thi hành pháp luật; tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật, phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng theo quy định của Luật PBGDPL.

Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác PBGDPL theo phân cấp ngân sách hiện hành; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ PBGDPL đặc thù; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia PBGDPL.

Cho rằng công tác PBGDPL đồng hành với tiến trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đề xuất hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp CĐS trong công tác PBGDPL.

Cụ thể là cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Đề án CĐS trong công tác PBGDPL giai đoạn mới; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho CĐS khả thi, hiệu quả trong công tác PBGDPL; có những nền tảng PBGDPL dành riêng cho mỗi đối tượng được PBGDPL; phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi – đáp, tình huống; phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long điều hành thảo luận tại Phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long điều hành thảo luận tại Phiên họp.

Điều hành thảo luận tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cảm ơn các ý kiến tương đối toàn diện, nội dung phong phú, đề cập đến các khía cạnh của công tác PBGDPL của các đại biểu. Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực của Hội đồng ghi nhận, tiếp thu và sẽ nghiên cứu tất cả các ý kiến này.

Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cơ bản thống nhất với đánh giá của các thành viên Hội đồng và biểu dương các kết quả đạt được trong hoạt động của Hội đồng thời gian qua, nhất là trong tham mưu hoàn thiện thể chế như Chỉ thị của Ban Bí thư, Kết luận 80, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Kết luận 80… Phó Thủ tướng Thường trực cũng ghi nhận kết quả trong chỉ đạo hướng dẫn đôn đốc triển khai công tác PBGDPL, đặc biệt là tuyên truyền bầu cử, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước; tổ chức nhiều hình thức đa dạng trong PBGDPL, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể tham gia vào công tác này.

Nêu lên một số hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý hạn chế về vai trò của Hội đồng, trong đó có thành viên Hội đồng chưa dành thời gian thoả đáng cho hoạt động của Hội đồng, cho công tác PBGDPL. Điều đó đòi hỏi tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các thành viên Hội đồng vì với hệ thống pháp luật hiện hành thì không thể một cơ quan thường trực làm nhiệm vụ PBGDPL mà cần sự phối hợp, chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thành viên.

Cơ bản nhất trí với kế hoạch hoạt động của Hội đồng, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tiếp tục bổ sung nhiệm vụ cho các thành viên, bảo đảm bao phủ hết chức năng, nhiệm vụ liên quan của các bộ, ngành thành viên trên tinh thần chủ động, cá thể hoá trách nhiệm của các bộ, ban, ngành thành viên. Phó Thủ tướng Thường trực đặc biệt đề cao việc đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL; tăng cường sự tham gia của MTTQ, Liên đoàn Luật sư, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông…

Đồng thời, cần chú trọng tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát; quan tâm hơn đến kinh phí cho công tác PBGDPL, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này; xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… và các vấn đề truyền thông khác. Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh, theo quy chế thì Hội đồng họp định kỳ, các thành viên cần cố gắng tham gia đầy đủ các phiên họp để làm tốt hơn nữa công tác PBGDPL.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các bộ, nhất là Bộ Tài chính xem xét cơ chế tài chính, tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho công tác PBGDPL ở các địa phương, nhất là địa phương chưa cân đối được ngân sách. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường PBGDPL trong nhà trường, cơ sở nghề nghiệp, nhất là hướng đến học sinh phổ thông. Bộ Ngoại giao tăng cường PBGDPL cho người Việt Nam ở nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế…

Đọc thêm