Bán đấu giá nhà đất nhưng không có người mua
Tuy việc bán đấu giá tài sản thi hành án (THA) thời gian qua đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng Tổng cục THADS nhận thấy việc bán đấu giá, giao tài sản bán đấu giá thành vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Kết quả bán đấu giá thành và giao được tài sản thấp so với tổng số việc có tài sản được đưa ra bán đấu giá; tình trạng chậm giao tài sản cho người mua đấu giá thành, số việc bị huỷ kết quả bán đấu giá vẫn xảy ra ở một số địa phương…
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do tâm ý e ngại của người dân khi mua tài sản kê biên, bán đấu giá; do đó nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài. Ý thức chấp hành pháp luật của một số người phải THA còn chưa cao, phần lớn người phải THA thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc THA.
Thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt, đặc biệt là trong quá trình cưỡng chế giao tài sản trúng đấu giá hoặc lợi dụng quyền khiếu nại để kéo dài tiến độ giải quyết án. Trong khi đó các chế tài hành chính, hình sự chưa đủ mạnh để răn đe với các trường hợp này.
Cụ thể, như tại Hà Nội, thời gian qua do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nên việc thực hiện trình tự, thủ tục THA bị kéo dài, nhất là công tác cưỡng chế với tài sản bán đấu giá thành. Theo số liệu thống kê từ Cục THADS Hà Nội, hiện có 153 việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá, tương ứng số tiền chưa giao được tài sản là gần 320 tỷ. Từ thực trạng trên, lãnh đạo Cục chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn phát sinh bồi thường nhà nước trong THADS vì dễ dẫn tới vi phạm, gây thiệt hại cho người mua được tài sản, đương sự và các bên có liên quan.
Vì vậy, để kịp thời khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Cục cho hay sẽ chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý những vụ việc ít phải tiếp xúc như xử lý vật chứng, tài sản; hoàn trả tiền, tài sản với những vụ việc số lượng đương sự ít; giao tài sản cho người được THA với những vụ việc Toà án tuyên giao tài sản hoặc giao tài sản bán đấu giá thành với những trường hợp đương sự tự nguyện giao tài sản.
Đồng thời chuẩn bị những điều kiện pháp lý, cơ sở vật chất, công vụ, phương tiện cần thiết, sẵn sàng cho việc tổ chức cưỡng chế với những vụ việc bán đấu giá thành; đưa ra bán đấu giá với những tài sản đã thẩm định giá; tiến hành thẩm định giá, định giá lại với những vụ việc đã kê biên, vụ việc bán đấu giá không thành.
Một địa phương khác có lượng án lớn và phức tạp, tình trạng kê biên nhà đất nhưng bán đấu giá không có người mua là TP HCM. Trong khi đó, quy trình, thủ tục xử lý tài sản, nhất là thủ tục xử lý bất động sản quá rườm rà, thiếu thực tiễn, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu giải quyết xong về tiền. Việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng cũng bị hạn chế trong thời gian vừa qua, làm ảnh hưởng tới tiến độ tổ chức THA.
Do đó, giải pháp quan trọng trước mắt được Cục THADS TP HCM đề ra là xây dựng quy trình thực hiện kiểm tra quá trình thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA, đảm bảo việc thẩm định giá, bán đấu giá khách quan, đúng quy định. Cục cho hay sẽ sớm hoàn thiện và ban hành “Quy trình thẩm định giá tài sản trong THADS”, “Quy trình đấu giá tài sản trong THADS”.
Cùng với đó, Cục kiến nghị lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy chế phối hợp về THADS như quy chế phối hợp với Sở TN&MT trong việc xác minh cung cấp thông tin tình trạng pháp lý nhà đất để làm cơ sở cho việc tổ chức THADS trên địa bàn được nhanh chóng, đúng quy định, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị chung của toàn TP.
Cơ quan THADS phối hợp các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả công tác bán đấu giá tài sản thi hành án |
Gặp khó khi ngân hàng thẩm định giá tài sản cao hơn thực tế
Tại Bình Dương, tuy các cơ quan THADS trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm (về việc đạt 49,46% (vượt 9,46% so với chỉ tiêu giao bình quân của 6 tháng); về tiền đạt 27,29% (vượt 8,29% so với chỉ tiêu giao bình quân của 6 tháng), nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kê biên, bán đấu giá tài sản.
Hiện các cơ quan THADS tỉnh Bình Dương đang tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ án có giá trị lớn (4 việc với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó có 2 việc bán đấu giá, chuẩn bị đưa ra bán đấu giá với số tiền phải thi hành án là hơn 667 tỷ). Tuy nhiên với tình hình kinh tế hiện nay, việc tìm được người mua tài sản bán đấu giá là hết sức khó khăn, ảnh hưởng tới kết quả giải quyết án.
Theo lý giải từ Cục THADS Bình Dương, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp, tình hình kinh tế của địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến tính thanh khoản của nền kinh tế giảm, nên khả năng vận động, thuyết phục người phải THA tự nguyện thi hành án thấp. Do đó, để đảm bảo công tác THADS thì phải kê biên, bán đấu giá nhiều nhưng hiện nay thủ tục hết sức phức tạp, hoạt động cưỡng chế, kê biên sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng ít tổ chức cưỡng chế có huy động lực lượng. Ngoài ra, do nguyên nhân kinh tế còn khó khăn, giá cả bất động sản biến động tăng, nên tài sản bán đấu giá thường bị các đương sự là người phải THA cố ý gửi đơn khiếu nại với mục đích kéo dài việc THA.
Thời gian tới, các cơ quan THADS Bình Dương cho hay sẽ tiếp tục làm tốt công tác rà soát, phân loại án chính xác, tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành quyết liệt, trong đó chú trọng những vụ án lớn, phức tạp; những vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; án đủ điều kiện miễn giảm; án đã bán đấu giá nhưng chưa giao tài sản. Cùng với đó, chủ động xử lý giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, phức tạp, kéo dài.
Chung khó khăn với Bình Dương, các cơ quan THADS Thừa Thiên-Huế cũng gặp tình trạng còn nhiều vụ việc đã kê biên, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được; một số trường hợp ngân hàng thẩm định giá trị tài sản cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản nên gây khó khăn trong tổ chức bán đấu giá tài sản vì không có người mua, tiền bán tài sản thu về không đủ.
Cục cho hay sẽ tập trung nguồn lực, có kế hoạch chi tiết để giải quyết từng vụ việc cụ thể, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo THADS, Tổng cục THADS về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo THADS các cấp chỉ đạo phối hợp tổ chức cưỡng chế THA, đặc biệt là cưỡng chế giao tài sản đã bán đấu giá thành; giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Đặc biệt, thực hiện hiệu quả phương châm “hướng về cơ sở” và tiếp tục duy trì hoạt động Tổ Tư vấn nghiệp vụ cho các Chi cục để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng vụ việc trong quá trình tổ chức THA của các chấp hành viên, đơn vị trực thuộc. Đảm bảo 100% việc THADS trước phiên đấu giá được thẩm định, trường hợp có dấu hiệu sai sót trong quy trình đấu giá phải dừng phiên đấu giá để hoàn thiện thủ tục, không tiếp tục giao tài sản và có thể yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản.
Trong bối cảnh số vụ việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều mà biên chế không tăng, nên áp lực của các cơ quan THADS nói chung và trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng ngày càng lớn. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, Chấp hành viên còn gặp nhiều vướng mắc liên quan tới việc thực hiện kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản.
Theo đó, có trường hợp người phải THA có tài sản là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất nhưng người đang sử dụng không có “sổ đỏ”; người phải THA có nhà ở nhưng nhà ở nằm trên đất của người khác và người có quyền sử dụng đất không đồng ý kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó để THA; nhiều đương sự chống đối, cản trở việc giao tài sản; tài sản đang bị tranh chấp, khởi kiện tại tòa án…
Để nâng cao hiệu quả công tác bán đấu giá, giao tài sản đấu giá thành, cần tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản là bất động sản; thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Từ đó giúp Chấp hành viên bớt lúng túng khi xử lý các trường hợp vướng mắc nêu trên, đồng thời hạn chế các sai sót trong quá trình tác nghiệp.