Nhiều giám định viên phải bỏ tiền túi để làm nhiệm vụ

(PLVN) - Nhằm thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định tư pháp (GĐTP) phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP năm 2012. Trong đó, một vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để hạn chế tình trạng chậm trễ trong xử lý loại án này lại chính là vấn đề chi phí cho công tác GĐTP.
Các công trình xây dựng khi cần giám định sẽ rất tốn kém chi phí.  Ảnh minh họa
Các công trình xây dựng khi cần giám định sẽ rất tốn kém chi phí. Ảnh minh họa

Về phía cơ quan quản lý ngân sách, hàng năm Bộ Tài chính đều hướng dẫn lập dự toán và cấp phát kinh phí đủ theo đề nghị, không thực hiện cắt giảm đối với nguồn kinh phí này và tăng dần hàng năm. Đơn cử, kinh phí phục vụ công tác chi bồi dưỡng, giám định tư pháp của Bộ Công an được bố trí từ năm 2010 - 2017 là hơn 2.671 tỷ đồng. Kinh phí chi quản lý hành chính cấp cho TANDTC hơn 18.423 tỷ đồng; cho VKSNDTC hơn 17.152 tỷ đồng.

Đối với Bộ Tư pháp, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí quản lý hành chính (trong đó có kinh phí cấp cho công tác GĐTP) gần 13.553 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, kinh phí giám định theo quy định hiện hành là được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để thanh toán cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến vấn đề kinh phí giám định không phải là nguồn kinh phí mà là quy trình, thủ tục thanh toán rất phức tạp, chậm trễ, gây ách tắc cho hoạt động giám định.

Để khắc phục tình trạng trên, Điều 36 Luật GĐTP năm 2012 được sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng: trường hợp việc giám định được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thì ngân sách nhà nước sẽ cấp trực tiếp chi phí giám định cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân này. Trường hợp việc giám định được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thì việc chi trả kinh phí giám định vẫn thực hiện thông qua cơ quan tiến hành tố tụng như hiện nay.

Một giám định viên đến từ Cục Thuế TP Hà Nội phản ánh rằng trên địa bàn TP Hà Nội, khi nhận yêu cầu giám định từ Bộ Tài chính đối với những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như Vinashin, Tập đoàn Dầu khí, Ngân hàng ACB…, chưa một lần được nhận chi phí giám định.

Ông chia sẻ, bản thân là công chức, đi làm theo yêu cầu của Bộ Tài chính, được hưởng lương ngân sách rồi khi ra Tòa “bị” thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư hỏi rất kỹ càng trong khi để làm 1 vụ án lớn, thời gian phải bỏ ra rất nhiều, thậm chí bỏ tiền túi cá nhân để thực hiện nhiệm vụ nhưng sự tôn vinh cho giám định viên gần như không có hay thanh toán chi phí rất khó khăn.

Ông Nguyễn Anh Dũng (Cục Hải quan TP Hà Nội) cũng không ngại nói thật là để làm nhiệm vụ giám định, ông toàn chi tiền cá nhân hết, chưa nhận một đồng nào tiền kinh phí vì xác định là phục vụ hoạt động tố tụng, đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Vì vậy, ông Dũng đồng tình với dự thảo quy định trên nhưng đề nghị quy định chi tiết hơn.

Cụ thể là chi phí này giao cho cơ quan được trưng cầu dự toán lập và đưa vào kinh phí hoạt động của bộ, ngành, địa phương hàng năm, không hết thì hoàn trả kinh phí cho ngân sách, chứ mô hình hiện nay là cơ quan tố tụng lập, thanh toán rất bất cập. 

Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia Nguyễn Đức Dự thì chỉ ra điểm không thống nhất trong quy định về chi phí GĐTP hiện nay là nếu trưng cầu trong ngành Công an không phải trả phí, trưng cầu ngoài ngành mới phải trả phí. Bởi thế, ông Dự nhận định là dự thảo quy định hướng mới mà Bộ Tư pháp đề xuất sẽ giải quyết được sự không thống nhất này.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2017 – thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Phí, lệ phí thì Luật không quy định chi phí GĐTP nữa. Do đó, Bộ Y tế lúc đầu có khó khăn, lúng túng về vấn đề này nên đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chi phí mới, cơ bản dựa theo mức chi phí cũ. Trên cơ sở đó, theo ông Dự, nên bổ sung quy định giao Bộ Tài chính ban hành biểu chi phí này, không để các bộ, ngành tự ban hành.

Từ phía các cơ quan chuyên môn, Bộ Xây dựng cho biết một số vướng mắc như công tác thanh toán chi phí GĐTP còn chậm, cụ thể là đối với những vụ việc lớn, có giá trị thực hiện lên tới hàng tỷ đồng, nguồn kinh phí cho hoạt động GĐTP chưa được cơ quan trưng cầu dự trù đủ nên không có kinh phí để chi trả, dẫn đến chậm thanh toán chi phí giám định; công tác thẩm định và phê duyệt dự toán còn vướng mắc do cơ quan trưng cầu thiếu chuyên môn về lĩnh vực này nên còn lúng túng trong việc thẩm định, phê duyệt dự toán, làm chậm trễ công tác giám định.

Bộ Xây dựng kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, trong đó có quy định cụ thể về các trường hợp được quyền từ chối giám định; quy định cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện GĐTP như tăng chi phí, tiền bồi dưỡng, vinh danh, miễn giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác GĐTP… 

Đọc thêm