Thông tin từ UBND xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), sau bão số 3 (Yagi) toàn xã có hơn 2.500ha rừng bị thiệt hại. Thôn Hà Bắc là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 800ha rừng đổ gãy sau bão. Cả thôn có 621 nhân khẩu, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất lâm nghiệp.
Theo phản ánh của một số hộ dân tại xã Hà Lâu, do nắng nóng kéo dài, ít mưa nên nhiều cây trồng mới sau bão số 3 đã chết khô. Bên cạnh đó, hiện nay giá cây keo giống tăng cao, gây ảnh hưởng đến tái trồng rừng sản xuất.
Ông Trìu Tắc Xình (thôn Co Mười, xã Hà Lâu) chia sẻ, gia đình ông có 10ha rừng bị thiệt hại bởi bão số 3 (Yagi). Đầu năm nay, ông đã mua 1,7 vạn cây keo giống với giá 1.200 đồng/cây về trồng nhưng do hạn hán kéo dài, hơn một nửa số cây giống đã chết. Hiện, ông phải mua thêm 7.000 cây để trồng lại. Theo ông Xình, giá keo giống năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái, gây nhiều khó khăn cho gia đình trong tái đầu tư, phát triển rừng.
|
Ông Trìu Tắc Xình thôn Co Mười, xã Hà Lâu đến mua cây keo giống lần thứ hai cho cùng một cánh rừng, bởi lần trồng thứ nhất đa số cây đã chết khô do nắng nóng kéo dài. |
|
Vườn ươm cũng gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài, phải nhập cây giống từ nơi khác về khiến giá tăng cao so với cùng kỳ. |
Ông Lã Văn Vy - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: “Đến nay, các hộ dân đã trồng mới được khoảng 60% diện tích rừng bị thiệt hại sau bão. Dù chu kỳ trồng rừng còn kéo dài đến hết tháng 7, nhưng giá keo giống cao so với năm ngoái đang là rào cản lớn cho các hộ dân tái sinh rừng. Nhiều hộ dân đã có kiến nghị, song thẩm quyền cấp xã không thể giải quyết.
Chúng tôi mong các cơ quan ban ngành của tỉnh có hướng hỗ trợ để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt là các hộ bị thiệt hại nặng sau bão số 3. Bên cạnh đó, xã cũng đã tuyên truyền chuyển sang trồng những loại cây gỗ lớn phá thế độc canh cây keo để phát triển rừng bền vững, bảo vệ nguồn sinh thủy".
|
Chủ vườn ươm chị Tằng A Múi - có hơn 10 năm làm vườn ươm keo giống tại thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu đang chọn cây keo giống cho khách. |
Ông Tằng Cún Sáng (Trưởng thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là giá cây keo giống quá cao. Keo tra hạt có giá 1.200 đồng/cây, keo hom (cây keo triết cành) lên hơn 2.000 đồng/cây, tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp ba so với năm ngoái. Trong khi đó, nhân công cũng rất khó tìm, phải thuê từ các tỉnh ngoài như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang khiến chi phí ngày công tăng thêm. Nhiều hộ vẫn chưa dám trồng mới vì chưa đủ tiền mua keo giống.
|
Không chỉ khó khăn về cây giống mà nhân công cũng thiếu, phải thuê lao động từ tỉnh ngoài như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang khiến chi phí đã cao lại cao hơn. |
Chủ vườn ươm, ông Sằn Văn Tiến và chị Tằng A Múi - có hơn 10 năm làm vườn ươm keo giống tại thôn Hà Bắc, xã Hà Lâu chia sẻ: “Vườn nhà tôi chuyên giống keo tra hạt, do hạn hán kéo dài, nên tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 60%. Năm nay, phân bón, nhân công đều tăng giá, nhiều đợt phải trồng đi trồng lại đến 3 lần, nên giá cây giống tăng cao. Do nguồn cung thiếu nên nhiều loại phải nhập về từ nơi khác về".
Tại hội nghị Giao ban Thường trực Tỉnh ủy ngày 11/5 vừa qua, ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khẳng định, kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai cũng còn những hạn chế phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, có việc thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh của rừng để phát triển kinh tế.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, phải đề xuất các giải pháp cụ thể phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, nhất là tăng cường các nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng rừng tự nhiên thông qua hỗ trợ tài chính, ưu tiên các loại cây bản địa…; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá nâng cao giá trị rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Để giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong mùa nắng nóng năm nay, mỗi người dân, gia đình, cơ sở sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị… cần chung tay sử dụng nguồn nước sạch tiết kiệm. Như vậy mới có thể kéo dài thời gian sử dụng lượng nước còn lại ở các hồ, nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cũng như sản xuất kinh doanh, trong khi chờ mưa.
Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 19 đã làm thay đổi lớn về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ tư duy đến sản xuất, từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội. Các mục tiêu về phát triển lâm nghiệp đã được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, các chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đưa ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành lâm nghiệp đạt 12,74% mỗi năm, vượt xa mục tiêu đề ra từ 5,5-6%. Sản lượng khai thác gỗ vượt mục tiêu, đạt tổng cộng 4,54 triệu m3, đạt 142% so với mục tiêu của Nghị quyết. Độ che phủ rừng luôn đạt 55% trở lên; năm 2024 do ảnh hưởng của bão số 3 độ che phủ rừng ước đạt 45,5%... Cơ cấu cây trồng trong lĩnh vực lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, theo hướng tăng diện tích trồng các loại cây bản địa, cây gỗ lớn.