Nhiều mâu thuẫn trong vụ xử người khuyết tật tại Gò Vấp

(PLO) - Vụ án “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM đã qua xét xử sơ thẩm song dư luận cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ, nhất là khi bị cáo trong vụ án này là người già yếu, lại bị khuyết tật bẩm sinh…
 Nhiều mâu thuẫn trong vụ xử người khuyết tật tại Gò Vấp
Bà Nguyễn Thị Chưa (SN 1960, trú tại 5/3 Đinh Tiên Hoàng, phường Phú Hòa, TP.Huế) cho biết, khoảng 19h ngày 29/12/2014, khi bà đang ngồi xem ti vi tại số nhà 33 Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp, TP.HCM thì có bà Lê Thị Kim Ngưu, người bán bánh ướt trước cửa xông vào nhà tìm cớ gây sự. Vì sức khỏe yếu và lại bị khuyết tật (bà Chưa bị thọt chân) nên bà Chưa kêu người cháu gọi điện đến Công an phường 4 cầu cứu. Khi các cán bộ Công an đến thì bà Chưa đóng cửa để các cán bộ làm việc. Tuy nhiên khi biên bản lập xong, vì bà Chưa thấy cán bộ Công an phường ghi theo hướng có lợi cho bà Ngưu nên bà không ký vào biên bản mà xin đi photo.
Tại số nhà 31 Nguyễn Văn Bảo, cách nhà bà Chưa khoảng 20m, trong khi bà Chưa đang đứng đợi phô tô biên bản thì bất chợt có bàn tay to chắc nắm vai bà và bẻ quặt tay bà ra phía sau (theo trình bày của bà Chưa thì chính bên vai này bà bị ngã gây chấn thương chưa lâu). Vì đau nên theo phản ứng, bà Chưa quay lại cắn vào bàn tay đó để tự vệ. Khi bình tâm lại, bà mới biết đây là cán bộ Công an phường 4 tên Việt. Sau khi bị đưa về Công an phường 4, bà bị tạm giữ hành chính tại Công an quận Gò Vấp, ngày 1/1/2015 bà Chưa được cho về sau đó nhận quyết định khởi tố bị can của Công an quận về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Tại Bản án số 165 ngày 14/7/2015 của TAND quận Gò Vấp đã tuyên bà Chưa 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, nhiều tình tiết trong bản án sơ thẩm rất mâu thuẫn, khiên cưỡng. Bởi khi bà Ngưu xông vào nhà gây sự, vì thấy bị nguy hiểm nên chính bà Chưa là người kêu cháu gọi điện báo Công an phường 4 đến ứng cứu thì bà không thể chống lại người đến cứu giúp mình. Việc bà đi photo biên bản đã được anh Nam (một cán bộ Công an phường 4 –PV) đồng ý. Chính vì thế nên cho dù bà là người khuyết tật, phải lê bước từ nhà sang hiệu photo thì hai cán bộ Công an phường khác vẫn ngồi tại nhà bà đợi bà đi photo về. Giả sử anh Nam không cho phép thì bà không thể mang biên bản đến cửa hàng pho to.
Bên cạnh đó, việc anh Việt khi đó có phải là người thi hành công vụ hay không cũng là điều gây tranh cãi. Bà Chưa khẳng định anh Việt không có mặt lúc bà Chưa bị đánh. Thực tế chỉ có anh Nam, anh Tỉnh (cán bộ Công an phường 4) là người đến nhà bà Chưa làm việc và lập biên bản. Anh Việt chỉ xuất hiện tại hiệu photo nơi bà Chưa photo biên bản.
Về hành vi cắn vào tay anh Việt, bà Chưa cho rằng đó là hành vi không cố ý. Khi đó vì đứng xoay lưng lại nên bà Chưa không biết người bẻ tay mình là ai nên phản xạ vô thức là cắn vào tay để họ buông mình ra. Tuy nhiên, chi tiết này bản án sơ thẩm cho rằng “anh Việt dùng tay nắm giữ tay vò biên bản của bà Chưa thì bị bà Chưa dùng viết (bút - PV)bi đâm nhiều cái vào tay, thấy bà Chưa manh động nên anh Việt đã dùng hai tay giữ tay bà Chưa thì bị bà Chưa cắn hai cái vào tay…” là không đúng.
Bên cạnh đó, về tố tụng, việc các cơ quan tố tụng quận Gò Vấp sử dụng một số lời khai của người làm chứng có biểu hiện không khách quan. Bà Chưa đề nghị đi giám định vết thương ở vai và 4 chiếc răng giả cũng không được chấp nhận. Những tình tiết mâu thuẫn này hy vọng sẽ được làm rõ ở phiên xử phúc thẩm tới đây.

Đọc thêm