Nhiều mô hình điểm về an toàn thực phẩm được duy trì và nhân rộng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mô hình điểm “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp Hội phụ nữ duy trì và nhân rộng...
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững (chương trình phối hợp số 01)", giai đoạn 2021 – 2025, được tổ chức sáng 16/6, tại Hải Phòng.

Trong giai đoạn 2017-2020, chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tiếp đến giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 01 để phát huy vai trò của 02 Hội trong tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm.

2 năm qua, Chương trình phối hợp số 01 đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai nghiêm túc, hiệu quả với sự vào cuộc 100% tỉnh, thành Hội, đơn vị. Nội dung về ATTP được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; lồng ghép trong triển khai thực hiện các tiêu chí Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án của Chính phủ và các nhiệm vụ công tác Hội…

Gian hàng trưng bày sản phẩm an toàn của phụ nữ tại “Chợ quê an toàn” được tổ chức sáng 15/6 tại Hải Phòng

Gian hàng trưng bày sản phẩm an toàn của phụ nữ tại “Chợ quê an toàn” được tổ chức sáng 15/6 tại Hải Phòng

Đến nay, 51/63 tỉnh, TP đã có phối hợp với UBND các tỉnh và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Chương trình. 12 tỉnh, thành còn lại xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phối hợp, lồng ghép các nội dung về ATTP vào kế hoạch triển khai hoạt động công tác Hội hằng năm.

Chỉ sau 2 năm, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức được trên 4.000 buổi truyền thông, trên 5.000 lượt tin bài trên hệ thống loa phát thanh, đài, truyền hình và các trang thông tin của Hội; tập huấn nâng cao năng lực cho 125 cán bộ chủ chốt của Hội LHPN 63 tỉnh/thành; 22.712 cuộc tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề về công tác ATTP, giúp cho cán bộ Hội các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong cả nước nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện đảm bảo ATTP.

Mô hình điểm “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” và nhiều mô hình hiệu quả về thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp Hội phụ nữ duy trì và nhân rộng như: mô hình “Làng 3 sạch” (Bắc Ninh), mô hình “2 dao 2 thớt”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt” (Bình Định)… Hơn 186.000 hội viên, phụ nữ, người dân sản xuất, kinh doanh ký cam kết tuân thủ quy định về ATTP, không mua bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất kháng sinh trong bảo quản, chế biến thực phẩm…

Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện nhiều hình thức đa dạng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; các hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm an toàn, những mô hình sáng tạo của Hội được đánh giá cao.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên toàn quốc vẫn còn rất lớn, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; nguy cơ mất an toàn thực phẩm còn hiện hữu, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng... Do đó, bà Nga mong muốn hội nghị thẳng thắn phân tích nhìn nhận, những vấn đề hạn chế, bất cập cần được quan tâm tháo gỡ và rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đề xuất những kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình phối hợp trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã có những ý kiến đóng góp liên quan đến xây dựng mô hình thực hiện nông nghiệp cao, sản phẩm hữu cơ, chuỗi nông sản an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế theo quy mô hộ gia đình; cơ chế nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ các gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn.

Đọc thêm