Nhiều 'ngày quốc tế' sẽ diễn ra trong tuần này mà có thể bạn chưa từng nghe tới

(PLVN) - Tuần này đánh dấu sự kiện của nhiều ngày lễ quốc tế quan trọng nhưng ít được biết đến, bao gồm Ngày Công bằng Xã hội Thế giới (20/2), Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế (21/2) và Ngày Tư duy Thế giới (22/2). Đây là những ngày có ý nghĩa sâu sắc, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề toàn cầu như công bằng xã hội, bảo tồn ngôn ngữ và tình đoàn kết giữa các cộng đồng hướng đạo.

Ngày Công bằng Xã hội Thế giới

Ngày Công lý xã hội thế giới, viết tắt là WDSJ (World Day of Social Justice) là ngày lễ quốc tế nhìn nhận nhu cầu thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết các vấn đề như nạn nghèo và nạn thất nghiệp, và an sinh xã hội, vv.... Được tổ chức vào ngày 20 tháng 2.

Ngày 26/11/2007, trong khóa họp thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/62/10, quyết định lấy ngày 20/2 hàng năm - bắt đầu từ năm 2009 – làm "Ngày Công lý xã hội thế giới", kêu gọi các nước thành viên đưa ra các sáng kiến ở cấp quốc gia để hỗ trợ các mục tiêu mà "Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội" tại Copenhagen (từ ngày 6-12/3/1995) và Nghị quyết ở khóa họp đặc biệt thứ 24 của "Đại hội đồng Liên Hợp Quốc" tại Genève, mang tên "World Summit for Social Development and future years: achieving social development for all people in a globalized world" (Hội nghị thượng đỉnh Xã hội + 5) đặt ra.

Như Hội nghị thượng đỉnh thế giới đã công nhận, việc phát triển xã hội hướng tới mục tiêu công lý xã hội,đoàn kết, hòa hợp và bình đẳng bên trong và giữa các quốc gia và công lý xã hội, bình đẳng và công tâm (không thiên vị) tạo thành các giá trị cơ bản của tất cả các xã hội.

Để đạt được "một xã hội cho mọi người" các chính phủ đã cam kết việc tạo ra một khuôn khổ hành động để thúc đẩy công lý xã hội ở cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp quốc tế. Họ cũng cam kết sẽ thúc đẩy việc phân phối công bằng nguồn thu nhập và quyền tiếp cận tài nguyên nhiều hơn thông qua sự công bằng và bình đẳng cùng cơ hội cho tất cả mọi người. Các chính phủ cũng công nhận là tăng trưởng kinh tế cần thúc đẩy bình đẳng và công lý xã hội và rằng "một xã hội cho tất cả mọi người" phải được dựa trên công lý xã hội cùng việc tôn trọng tất cả các quyền con người và quyền tự do cơ bản.

Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế

Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế (International Mother Language Day) được tổ chức vào ngày 21/2 hàng năm bởi UNESCO. Ngày này được UNESCO chọn tại hội nghị ngày 17/11/1999. Ngày lễ quốc tế này đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận trong nghị quyết trong đó quyết định năm 2008 là Năm Ngôn ngữ Quốc tế.

Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế bắt nguồn từ sự thừa nhận trên toàn thế giới Ngày Phong trào Ngôn ngữ, tưởng niệm sự kiện diễn ra tại Bangladesh (trước đây là Đông Pakistan) từ năm 1952, khi một số sinh viên của trường Đại học Dhaka bị cảnh sát và quân đội Pakistan giết chết tại Dhaka trong Phong trào ngôn ngữ Bengal.

Ngày tiếng mẹ đẻ Quốc tế được các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức hàng năm tại các trụ sở UNESCO nhằm quảng bá sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa và tính đa ngôn ngữ.

Vào ngày 21/3/1948, Mohammed Ali Jinnah, Toàn quyền Pakistan, tuyên bố rằng Urdu sẽ là ngôn ngữ chính thức duy nhất cho cả Tây và Đông Pakistan. Người dân Đông Pakistan (ngày nay là Bangladesh), với thứ tiếng chính là tiếng Bengal, bắt đầu phong trào phản đối quyết định này.

Ngày 21/2/1952 (tức là ngày 8 Falgun 1359 theo lịch Bengal), những sinh viên tại thành phố mà nay là thủ đô Dhaka kêu gọi bãi công trên toàn tỉnh. Chính quyền ban bố lệnh giới nghiêm để ngăn chặn việc này và sự phản kháng có phần giảm xuống để không vi phạm luật giới nghiêm. Cảnh sát Pakistan đã bắn vào sinh viên dù họ đang biểu tình một cách hòa bình và một số sinh viên đã bị giết chết.

Ngày Tư duy Thế giới

Ngày Tư duy Thế giới (World Thinking Day), trước đây gọi là Thinking Day, được tổ chức hàng năm vào ngày 22/2 bởi các tổ chức Hướng đạo sinh nữ (Girl Guides và Girl Scouts) trên toàn thế giới. Đây là dịp để các thành viên cùng nhau suy ngẫm về ý nghĩa của hướng đạo, tình đoàn kết giữa những "chị em" và "anh em" trên khắp thế giới, cũng như vai trò của phong trào này trong việc tạo ra tác động tích cực trên quy mô toàn cầu.

Bên cạnh việc tôn vinh các giá trị cốt lõi của hướng đạo, ngày này cũng là cơ hội để các Hướng đạo sinh nữ tìm hiểu về văn hóa của các quốc gia khác, nâng cao nhận thức về các vấn đề toàn cầu, và gây quỹ hỗ trợ các dự án giúp đỡ các thành viên hướng đạo trên toàn thế giới.

Ngày 22/2 được chọn làm Ngày Tư duy Thế giới vì đây là ngày sinh của Robert Baden-Powell – người sáng lập phong trào Hướng đạo (Scouting) và vợ ông, Lady Olave Baden-Powell, người giữ vai trò Tổng Trưởng Hướng đạo sinh nữ Toàn cầu (World Chief Guide).

Sự kiện này bắt nguồn từ năm 1926, khi Hội nghị Hướng đạo sinh nữ Quốc tế lần thứ tư (Fourth Girl Scout International Conference) diễn ra tại Camp Edith Macy (nay là Edith Macy Conference Center) ở Mỹ. Tại hội nghị, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết của một ngày đặc biệt để các thành viên Girl Guides và Girl Scouts trên toàn thế giới cùng suy ngẫm về sự phát triển của phong trào và bày tỏ lòng biết ơn với những "chị em" hướng đạo sinh ở các quốc gia khác.

Vào năm 1999, tại Hội nghị Thế giới lần thứ 30 tổ chức ở Ireland, sự kiện này chính thức đổi tên từ "Thinking Day" thành "World Thinking Day", nhấn mạnh hơn nữa tính toàn cầu của ngày này.

Không chỉ là một ngày để trao đổi lời chúc và suy ngẫm, Ngày Tư duy Thế giới còn mang ý nghĩa thực tiễn thông qua việc gây quỹ để hỗ trợ phong trào Hướng đạo sinh nữ. Ý tưởng này được đề xuất tại Hội nghị Thế giới lần thứ bảy tổ chức tại Ba Lan, khi một đại biểu đến từ Bỉ đề nghị rằng ngoài việc gửi lời chúc, các thành viên nên thể hiện tình đoàn kết bằng những đóng góp thực tế.

Lady Olave Baden-Powell, trong bức thư đầu tiên về Quỹ Ngày Tư duy Thế giới (Thinking Day Fund), đã kêu gọi mỗi hướng đạo sinh đóng góp "một xu cho suy nghĩ của bạn" để hỗ trợ các hoạt động phát triển phong trào.

Hiện nay, Quỹ Ngày Tư duy Thế giới tiếp tục được duy trì và phát triển nhằm hỗ trợ nhiều bé gái và phụ nữ trẻ trên khắp thế giới tham gia vào các chương trình của Hướng đạo sinh Nữ, giúp họ có cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng và đóng góp vào cộng đồng.

Đọc thêm