Nhiều người bị sưng mắt, loét da phải nhập viện do tiếp xúc với kiến ba khoang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số bệnh nhân đến các viện ở Hà Nội khám viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang đang tăng cao, các bác sĩ nhận định đang vào mùa sinh sản của loài côn trùng này.
Bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.
Bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Gia tăng bệnh nhân nhập viện do kiến ba khoang

Nằm điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Phạm Thị Thảo (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, buổi sáng ngủ dậy tự nhiên chị thấy mắt sưng và đau rát. Sau khi ra quầy thuốc gần nhà mô tả triệu chứng, cũng như cho nhân viên xem vết thương, chị Thảo được kê cho một tuýp thuốc bôi ngoài da.

“Sau khi mua tuýp thuốc về bôi thì cảm giác tình trạng nặng thêm. Ngay chiều hôm đó tôi vào Viện Da liễu Trung ương để khám. Vào khám thì bác sĩ chẩn đoán là bị viêm da kích ứng. Bác sĩ cho một đơn thuốc là bao gồm cả uống cả bôi về nhà dùng thuốc đó trong vòng khoảng 24 tiếng thì không đỡ, tức là sưng lại càng sưng to hơn rất nhiều, mắt không mở được. Sau đấy vào khám lại bác sĩ bảo là tình trạng viêm nặng rồi thì phải nhập viện điều trị”, chị Thảo cho biết.

Nhận được chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang từ bác sĩ, chị Thảo hết sức bất ngờ vì luôn cho rằng, mình ở chung cư cao tầng nên "miễn nhiễm" với loại côn trùng này. “Tôi sống ở tầng 5, lâu nay vẫn thấy muỗi nhưng chưa thấy kiến ba khoang bao giờ. Bản thân cũng nghĩ rằng kiến không thể nào lên đến tận đây nên chủ quan”, chị Thảo nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Thảo là một trong số các trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có biểu hiện kích ứng chậm.

“Lúc đầu tình trạng bệnh nhân khá nhẹ. Sau khi thăm khám đã được kê thuốc điều trị rất đúng phác đồ. Tuy nhiên, sau đó tình trạng viêm da nặng hơn, khiến những thuốc được kê ban đầu không còn đủ mạnh để điều trị, nên bệnh nhân cần phải nhập viện”, bác sĩ Linh phân tích.

Cũng theo bác sĩ Linh, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không khó để chẩn đoán. Tuy nhiên, một số trường hợp vượt tiên lượng ban đầu. Do đó, người bệnh cũng cần thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh để phát hiện dấu hiệu nặng và đi khám kịp thời.

Sau khi nhập viện điều trị và sử dụng thuốc, tình trạng của chị Thảo tiến triển nhanh. Đến nay, vết thương ở mắt bệnh nhân đã bong dần ở những vùng bị nhẹ. Tuy nhiên, mắt của chị vẫn còn bị căng chưa thể mở tự nhiên hoàn toàn.

Ba tháng trở lại đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận hàng trăm ca viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Lượng bệnh nhân gia tăng mạnh trong thời gian gần đây được nhận định là do kiến ba khoang xuất hiện nhiều do vào mùa sinh sản.

Bác sĩ Linh cho biết, đang là "cao điểm" về tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Nguyên nhân do tập tục, chu kỳ sinh sản của kiến ba khoang ở giai đoạn này phát triển rất nhiều. Kiến ba khoang không chỉ ở ngoài môi trường có cây cối xung quanh mà kiến có thể chui trong nhà, do sự hấp dẫn của bóng đèn, bóng điện.

Kiến ba khoang.

Kiến ba khoang.

“Thời gian gần đây mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 5-6 bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang, thậm chí có những ngày phải đến 10 bệnh nhân. Hoặc cá biệt có những trường hợp cả gia đình cùng có biểu hiện của viêm da tiếp xúc do kiến khoang”, bác sĩ Linh cho hay.

Theo bác sĩ Linh, hầu hết các trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám đều được cấp thuốc điều trị ngoại trú. Một số ít trường hợp phải nhập viện, đều do bị tổn thương ở những vùng nguy hiểm như mắt. “Đây là những khu vực mô mềm nhiều nên khi có hiện tượng viêm da tiếp xúc sẽ phù nề rất nhiều. Nhiều bệnh nhân thậm chí còn không mở được mắt. Do đó, bệnh nhân cần nhập viện để được theo dõi điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Linh khuyên.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương

Dễ nhầm lẫn với bệnh zona

Ngoài ra, bác sĩ Linh cũng cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân khi đến viện đều từng điều trị nhưng tình trạng không thuyên giảm. Nguyên nhân có thể do nhầm lẫn giữa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang với những bệnh khác.

“Hay nhầm lẫn nhất đối với viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đấy chính là bệnh zona. Bệnh zona là một bệnh do virus gây nên, virus xâm nhập vào cơ thể gây ra những nốt bọng nước, đau rát. Tuy nhiên bệnh zona khác với bệnh viêm da tiếp xúc ở chỗ sẽ có những khu trú điển hình theo dây thần kinh chi phối. Còn bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thì có thể gặp bất kỳ vị trí nào. Bệnh nhân có thể vừa bị ở mặt, ở tay, ở chân, ở người và cả ở những vùng da đối xứng cả hai bên của cơ thể nữa. Khi có những biểu hiện đỏ rát và có nổi bọng nước ở trên da thì đa phần điều đầu tiên nghĩ đến là bệnh lý zona. Kể cả những nhân viên bán thuốc ở hiệu thuốc cũng thường xuyên tư vấn cho bệnh nhân là đang bị zona và sẽ được tư vấn uống thuốc và bôi thuốc tại chỗ. Nhưng những chỉ định điều trị đó về cơ bản không phải là chỉ định điều trị cho bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang vì thế triệu chứng thường không được cải thiện trong quá trình điều trị”, bác sĩ Linh cho biết.

Bác sĩ Linh cũng cảnh báo việc điều trị không đúng có thể khiến bệnh để lại di chứng. “Một số trường hợp do bôi thuốc như thế, tay của bệnh nhân tiếp xúc với vùng da bị bệnh sau đó lại bôi ra chỗ khác, nó sẽ khiến cho chất gây viêm da càng lan rộng ra và biểu hiện bệnh lại càng nặng hơn. Điều này dẫn đến việc bệnh nhân cảm thấy khó chịu hơn. Thậm chí một số trường hợp nhiễm khuẩn trên những nốt viêm da tiếp xúc và có thể để lại hậu quả xấu như là sẹo, các sắc tố thâm kéo dài hoặc là loét ở vùng da bị bệnh”, bác sĩ Linh cảnh báo.

Không được chủ quan với kiến ba khoang

Theo bác sĩ Linh, kiến ba khoang sống trong môi trường tự nhiên sẽ bị hấp dẫn bởi ánh điện vào ban đêm và vào nhà. Vì vậy, nếu nơi đang sinh sống có nhiều cây cối, nên hạn chế bật đèn quá mạnh vào ban đêm vì có thể thu hút côn trùng vào. Do đó, kể cả khi ở nhà cao tầng, người dân cũng không được chủ quan với loại côn trùng này.

“Khi gặp kiến ba khoang, nên bắt bằng giấy hoặc chổi sau đó đổ vào thùng rác, bồn cầu. Chúng ta không nên dùng tay không bắt kiến ba khoang. Đặc biệt, một số em bé hay chơi bắt kiến để giết cũng rất nguy hiểm vì làm giải phóng chất độc trong bụng con kiến gây viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, cũng không nên giết kiến trên sàn nhà, mặt bàn, mặt ghế vì có thể để lại chất độc của kiến trên bề mặt, gây tổn thương khi chúng ta vô tình ngồi, tiếp xúc bằng da lên những khu vực này”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Đọc thêm