Kết quả cuộc khảo sát do trường Đại học Grinnell phối hợp với hãng Selzer & Co. thực hiện và công bố ngày ¼ được TTXVN dẫn cho thấy, có tới 88% số người được hỏi đồng ý rằng "nước Mỹ sẽ vượt qua đại dịch này".
Trong khi đó, gần 70% cho rằng họ sẵn sàng thực hiện biện pháp giãn cách xã hội tại chỗ khi được yêu cầu.
Một số người cảm thấy căng thẳng, tức giận và sợ hãi, nhưng cũng có nhiều người có thái độ rất bình tĩnh và tự tin rằng nước Mỹ sẽ vượt qua cơn khủng hoảng y tế này.
Đáng chú ý, kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy 55% thành viên của đảng Cộng hòa quan tâm đến rủi ro kinh tế lâu dài đối với nước Mỹ hơn là ảnh hưởng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, một quan điểm mà chỉ 25% thành viên của Dân chủ tán đồng.
Đồng thời, 69% thành viên đảng Dân chủ lo lắng về những ảnh hưởng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, so với 38% của đảng Cộng hòa.
Những người dưới 35 tuổi là nhóm đối tượng chịu tác động kinh tế nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.
Nhiều người trong nhóm tuổi này cho rằng họ có hoặc sẽ bị sa thải (45%), không được trả lương (57%) và không thể các thanh toán hóa đơn thông thường (43%).
Từ ngày 1/4, Mỹ tạm dừng chuyển ra nước ngoài các lô hàng viện trợ quốc tế có vật tư y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) của Cơ quan Viện trợ Mỹ (USAID). Hiện lực lượng đặc nhiệm đối phó với dịch COVID-19 do Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đứng đầu đang xem xét tất cả các lô hàng viện trợ PPE cho nước ngoài nhằm đảm bảo rằng Chính phủ Mỹ sẽ không gửi các lô hàng hoặc vật phẩm được xem là cần thiết ở Mỹ trong giai đoạn chống đại dịch COVID-19 này.
Người phát ngôn của Phó Tổng thống Mike Pence cho biết quyết định này cho thấy "cách tiếp cận toàn diện" của chính quyền trong phòng chống dịch bệnh trong nước.