Hôm qua – 15/10, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ/đề án năm 2012 và đề xuất các nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Tư pháp triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đến năm 2020.
|
Luật sư tranh tụng tại TAND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh MH |
Cơ bản hoàn thành 6/11 nhiệm vụ CCTP
Trong năm 2012, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện 11 nhiệm vụ/đề án liên quan đến CCTP. Đến nay, báo cáo của Viện Khoa học pháp lý (KHPL) cho biết, có 6 nhiệm vụ về cơ bản đã hoàn thành.
Trong đó có một số nhiệm vụ quan trọng như Báo cáo Ban chỉ đạo (BCĐ) CCTP Trung ương về một số nội dung trong Dự án Luật Giám định tư pháp mà các cơ quan tư pháp còn có ý kiến khác nhau; chuẩn bị ý kiến của Bộ Tư pháp về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 1992 về Chính phủ, TAND và VKSND; báo cáo BCĐ Trung ương về kết quả thực hiện chủ trương thí điểm chế định thừa phát lại và phương hướng thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (THADS)…
Riêng Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật dự kiến được báo cáo BCĐ Trung ương vào hôm nay (16/10).
Đối với 5 nhiệm vụ/đề án đang tiếp tục triển khai thì có 2 đề án (nghiên cứu tổ chức, hoạt động của cơ quan THADS cấp huyện trong điều kiện thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực; chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA) được giao cho Tổng cục THADS. Theo đại diện Tổng cục THADS, bên cạnh đề án thứ nhất vẫn đang tổ chức thực hiện, đề án thứ hai gặp “trục trặc” ở khâu soạn thảo Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành. Do vậy, đây cũng là một trong hai nhiệm vụ/đề án hiện vẫn chưa làm thủ tục nhận kinh phí.
Cùng với yêu cầu đơn vị được giao tăng cường trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ CCTP (hoàn thành nhiệm đúng tiến độ, làm thủ tục nhận và quyết toán các kinh phí được giao), Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đặc biệt nhấn mạnh tới Đề án đào tạo chung nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giai đoạn 2012 – 2015.
Đề án này được giao cho Học viện Tư pháp chủ trì nhưng trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc do còn nhận thức khác nhau và chưa thống nhất quan điểm về nhiệm vụ đào tạo chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư giữa các ngành. Vì thế, cần phải có những lập luận thuyết phục để BCĐ Trung ương thấy hết mặt tích cực của đào tạo “3 chung” trong việc thống nhất cách đào tạo và bảo đảm chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp.
Ưu tiên các nhiệm vụ mới phát sinh
Thực hiện kế hoạch hàng năm về xây dựng chương trình triển khai Nghị quyết 49, Viện KHPL đã nhận được 40 đề xuất của các đơn vị trong Bộ về các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2013. Phó Viện trưởng Viện KHPL Nguyễn Văn Hiển cho biết: Để lựa chọn các nhiệm vụ năm 2013 đúng trọng tâm và hiệu quả, Viện KHPL dự kiến sắp xếp các nhiệm vụ do các đơn vị đề xuất thành các nhóm trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên theo thứ tự.
Sau khi nghe đại diện các đơn vị thuộc Bộ thảo luận, Thứ trưởng Liên nhất trí với đề xuất sắp xếp khá khoa học của Viện KHPL. Theo đó, nhóm ưu tiên hàng đầu là các nhiệm vụ/đề án của ngành Tư pháp trong năm 2013 đã được đưa vào Chương trình trọng tâm công tác CCTP giai đoạn 2012 – 2016 của BCĐ Trung ương, được Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cụ thể hóa trong Chương trình số 39 về Chương trình của ngành Tư pháp triển khai Nghị quyết 49 và các nhiệm vụ/đề án đã được giao trong năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục phải trình BCĐ Trung ương trong năm 2013. Tiếp đến là ưu tiên các nhiệm vụ/đề án mới phát sinh cần phải trình/xin ý kiến Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp/BCĐ Trung ương trong năm 2013, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của CCTP thuộc chức năng quản lý của Bộ Tư pháp như THADS, luật sư, công chứng, giám định tư pháp…
Sơn Hà