Để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định của mình, Luật đã: bổ sung quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp khi từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
Tương ứng, người giám định tư pháp theo vụ việc cũng được bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ này; bổ sung quyền của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định như đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định; từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 nêu trên và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người trưng cầu giám định tư pháp trong việc trưng cầu giám định và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu, thực hiện giám định, Luật đã bổ sung, sửa đổi một số nghĩa vụ của người trưng cầu giám định như: xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp; thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định hoặc người thân thích của người giám định.
Để bảo đảm điều kiện cho tổ chức được trưng cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện giám định của mình, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức này như quyền được yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc thực hiện giám định; từ chối tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong một số trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24; đồng thời Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định của tổ chức này.
Cụ thể như: trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn; người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định, trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định thì phải phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định; bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định. Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết; và đặc biệt là phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra.