Nhiều quy định mới về quyền nhân thân

(PLO) - Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ 1/1/2017 với nhiều quy định mới, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.  
Nhiều quy định mới về quyền nhân thân

Không đặt tên bằng số

Điều 26 BLDS quy định cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Đặc biệt, khoản 3 Điều 26 Bộ luật quy định: Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

 Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

 Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Với việc quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn của BLDS 2015 được đánh giá sẽ thuận lợi hơn trong áp dụng.

Cho phép chuyển đổi giới tính

Điều 36 BLDS quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính: Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.  Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Cũng theo quy định của Bộ luật (Điều 37): Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Như vậy, so với trước đây (pháp luật nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính) thì quy định của BLDS thừa nhận quyền này được cho là bước tiến mới. Tại phiên thông qua BLDS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rằng, pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Nhằm tuyên truyền những nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự; cập nhật các thông tin về tình hình triển khai Bộ luật tại các bộ, ngành, đoàn thể TW và địa phương, từ hôm nay 27/9, Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục “Tích cực đưa Bộ luật Dân sự vào cuộc sống”. 

Bạn đọc có các tin bài liên quan đến Bộ luật Dân sự gửi về: Ban Nội chính, Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: noichinhplvn@gmail.com

Đọc thêm