Nhiều quy định tạo thuận lợi trong quản lý xuất xứ hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 13/7, Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin tuyên truyền một số điểm mới của Thông tư 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cán bộ hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: Q.H)
Cán bộ hải quan đang làm nhiệm vụ. (Ảnh: Q.H)

Theo Tổng cục Hải quan, Thông tư 33/2023 được ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện các quy định tại các Thông tư trước đây về việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ (CTCNXX); nộp bổ sung C/O sau khi hàng hóa đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan...

Đồng thời, áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp CTCNXX hàng hóa (nộp qua hệ thống V5, nộp bản sao...).

Cụ thể, Thông tư 33/2023 bỏ điều kiện CTCNXX phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và hàng hóa phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến trong một số trường hợp đặc biệt

Do thời gian quy định việc kiểm tra sau thông quan là 5 năm nên đa số các trường hợp phát sinh thay đổi về thuế nhập khẩu được phát hiện trong khâu sau thông quan thì CTCNXX đều đã hết hiệu lực (12 tháng kể từ ngày cấp). Theo đó, việc ràng buộc điều kiện CTCNXX phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung dẫn đến các doanh nghiệp không thể đáp ứng quy định mặc dù hàng hóa nhập khẩu đều thỏa mãn quy định về xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu, đủ điều kiện được áp dụng thuế ưu đãi đặc biệt.

Ngoài ra, qua theo dõi thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhiều trường hợp nguyên liệu sau khi sản xuất, cấu thành nên sản phẩm nhưng do không tìm được thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chuyển tiêu thụ trong nước. Nếu căn cứ theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi do nguyên liệu đã đưa vào sản xuất và không còn nguyên trạng so với ban đầu.

Do vậy, để tạo thuận lợi thương mại và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tại Điều 13 Thông tư không quy định điều kiện CTCNXX phải còn hiệu lực tại thời điểm nộp bổ sung và điều kiện hàng hóa phải được xác định chưa tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến (đảm bảo tính nguyên trạng về xuất xứ) trong một số trường hợp đặc biệt.

Về phương thức nộp CTCNXX, khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC quy định CTCNXX phải được nộp dưới dạng bản chính mang dòng chữ “ORIGINAL” hoặc bản chính. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID, do giãn cách xã hội hoặc nằm trong các khu vực cách ly, phong tỏa, người khai hải quan không có bản chính (bản gốc) hoặc đã nhận được bản chính nhưng không thể đến nộp cho cơ quan Hải quan.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC hướng dẫn thời điểm nộp CTCNXX trong giai đoạn dịch bệnh COVID. Theo đó, cho phép người khai hải quan được nộp: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sử dụng chữ ký và con dấu điện tử hoặc Bản chụp/bản scan C/O đối với trường hợp áp dụng ưu đãi thuế; đối với các trường hợp khác, cơ quan Hải quan chấp nhận bản chụp/bản scan C/O để thông quan hàng hóa và người khai hải quan phải nộp lại 01 bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.

Do vậy, kế thừa những nội dung ưu việt của các quy định nêu trên, để cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm rủi ro cho công chức hải quan, tiến tới hải quan phi giấy tờ, Thông tư 33/2023 không quy định người khai hải quan phải nộp bản giấy mà chỉ cần scan gửi qua hệ thống cho cơ quan hải quan và đối với văn bản thông báo xác định trước, người khai hải quan không phải nộp bản chính mà công chức hải quan sẽ kiểm tra trên hệ thống.

Liên quan đến các quy định về khai, nộp, kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, về cơ bản, Thông tư 33/2023 giữ nguyên các nội dung quy định kiểm tra, xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu như quy định tại Chương III Thông tư 38/2018/TT-BTC (các Điều từ 8-12).

Tuy nhiên, để đảm bảo thuận lợi cho các bên liên quan khi thực hiện, Thông tư 33 đã bổ sung một điều hướng dẫn cụ thể về khai, nộp CTCNXX hàng hóa xuất khẩu (Điều 5).

Đồng thời, để phù hợp với quy trình kiểm tra sau thông quan, hướng dẫn rõ cách thức kiểm tra, xử lý khi phát hiện sai phạm, tại các Điều từ Điều 6 đến Điều 9 Thông tư đã quy định cụ thể về thủ tục kiểm tra xác minh hàng xuất khẩu.

Đọc thêm