Nhiều “rào cản” trong đăng ký hộ tịch

(PLVN) -Sau khi Luật hộ tịch được ban hành và có hiệu lực, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy vậy, đối với các VBQPPL có liên quan đến đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký khai tử (ĐKKT) hiện vẫn còn một số bất cập, thiếu đồng bộ.
Nhiều “rào cản” trong đăng ký hộ tịch

Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Như vậy, về nguyên tắc, dù việc xác định họ cho con theo tập quán vẫn phải đảm bảo con theo họ cha hoặc họ mẹ.

Tuy nhiên trên thực tế, theo tập quán tại địa bàn một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, việc xác định họ cho trẻ em không bảo đảm quy định nêu trên, việc xác định họ cho con căn cứ vào giới tính của người đó; một số dòng họ việc xác định họ cho con tuân thủ theo thế thư mà không theo họ cha đẻ hay mẹ đẻ; một số dân tộc có họ dành riêng cho con trai và họ dành riêng cho con gái.

Cũng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, khai tử là quyền nhân thân quan trọng của cá nhân, “Cá nhân chết phải được khai tử”. Luật Hộ tịch đã quy định trách nhiệm đi ĐKKT của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp người chết không được “làm thủ tục cuối cùng” do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, quy định ràng buộc trách nhiệm ĐKKT của pháp luật hiện hành cũng chưa thực sự hiệu quả.

Trong quá trình đăng ký hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch gặp không ít khó khăn do những quan niệm “ăn sâu bám rễ” của người dân liên quan đến đăng ký kết hôn, đặt tên... Đơn cử, một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, nhất là người Mông, người Thái ở Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong) còn có tục lệ đổi tên ít nhất ba lần trong đời (khi mới sinh ra, khi trưởng thành, khi thành chủ hộ, về già…), đàn ông dân tộc Mông thường có phần đệm là “A” nhưng khi lập gia đình, sinh con lại được bố vợ đặt cho tên đệm khác.

Người con gái khi ở với cha mẹ thì mang tên mình, về nhà chồng thì mang luôn tên chồng, nên có trường hợp sinh con đi làm giấy khai sinh, khai tên cha mẹ giống nhau (như: chồng là Lang Văn Thu, tên vợ là Lang Thị Thu). Hoặc phong tục của người Jrai, Bahnar không quy định độ tuổi kết hôn, hầu như chỉ căn cứ vào vóc dáng bên ngoài. Việc kết hôn của họ chỉ cần già làng công nhận là đủ chứ không đăng ký tại UBND xã, kể cả ly hôn cũng vậy, khi không muốn chung sống với nhau nữa thì họ cũng không đưa ra pháp luật mà tự xử trong làng, chỉ cần già làng đồng ý thì hai vợ chồng được bỏ nhau và có quyền kết hôn với người khác.

Thực tiễn cũng đã phát sinh trường hợp tại một số địa phương, khi đăng ký khai sinh, người dân yêu cầu được ghi tên thành phần dân tộc không thuộc danh sách 54 dân tộc (như dân tộc “Sán Chí” ở huyện Sơn Dương; dân tộc “Thuỷ” ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phần lớn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch chưa thể thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề đăng ký hộ tịch, thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực, chủ động hơn trong hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch; áp dụng đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền, vận động nhân dân, đăng ký hộ tịch lưu động...) để nâng cao nhận thức hơn nữa về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn phối hợp, có giải pháp xác định chính xác tỷ lệ ĐKKS, ĐKKT.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố lập kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo việc thực hiện công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy, cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã, bảo đảm đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Luật hộ tịch; kiên quyết không tuyển dụng, bố trí công chức tư pháp – hộ tịch không đúng quy định. Rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ quan đăng ký hộ tịch, bảo đảm trang bị đầy đủ máy vi tính, máy in, mạng Internet...

Đọc thêm