Nhiều rào cản trong phát triển thị trường khí

(PLVN) - Thị trường kinh doanh khí hóa lỏng của Việt Nam đang đứng trước giai đoạn phát triển mạnh khi thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua nhiều hình thức… Nhưng thực tế cũng xuất hiện một số bất lợi, rào cản.
Tiêu thụ LPG ở Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng khoảng 9%/năm.

Thị trường tiêu thụ sẽ có sự chuyển dịch

Thị trường khí hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức tăng trưởng vào khoảng 10%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng LPG tiêu thụ của Việt Nam tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn cung nội địa chiếm 32%, nhập khẩu chiếm 68% (chủ yếu từ Trung Quốc, Ả rập Xê út…). Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho thấy, 3 tháng cuối năm lượng LPG tiêu thụ sẽ tăng nhanh, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 9% so với năm 2019.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, xu hướng sử dụng LPG tại Việt Nam trong ngắn hạn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định khoảng 9%/năm. Nhưng thị trường tiêu thụ LPG sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ.

Ví dụ, tiêu thụ khu vực nông thôn sẽ tăng trưởng nhanh và khu vực thành thị sẽ giảm; khu vực miền Trung sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao do thị trường bắt đầu vào giai đoạn tăng trưởng và có tiềm năng phát triển mạnh ở lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại,…

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng LPG cho hóa dầu trong thời gian tới tại Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh do thu hút được một lượng lớn dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan… vào các dự án có quy mô sử dụng LPG làm nguyên liệu chính.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ LPG của Việt Nam vẫn giữ thị phần lớn và đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tham gia thị trường thông qua hình thức đầu tư gián tiếp, góp vốn tại các công ty phân phối, bán lẻ LPG.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam cho biết, trước đây, lợi nhuận kinh doanh khí khá ổn định (với 50 USD/tấn) nên các tổng công ty, công ty lớn sẵn sàng đầu tư với mức vốn cao nhưng hiện nay, lợi nhuận xuống rất thấp (duy trì ở mức 15-20 USD/tấn) nên thị trường đã… méo mó khá nhiều.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gia tăng, các nhà phân phối sẵn sàng dùng chiêu trò, thủ đoạn để chiếm vỏ bình, sơn từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, thị trường mất kiểm soát, ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Tuấn lại đưa ra những hạn chế khác của thị trường kinh doanh LPG như chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm; Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định; Hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao…

Luật chưa “kiểm” được thị trường

Ông Tuấn còn cho hay, hiện nay, hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh LPG tại Việt Nam về cơ bản đã được thiết lập hoàn chỉnh, đáp ứng các yêu cầu cơ bản như đảm bảo thị trường LPG được vận hành theo cơ chế thị trường; Thúc đẩy cạnh tranh kinh doanh nhập khẩu và phân phối trên thị trường nội địa; Liên tục rà soát, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Các điều kiện kinh doanh được quy định rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp; Thực hiện phân cấp, phân quyền tối đa cho chính quyền địa phương; Đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh khí miền Nam lại cho rằng, kinh doanh khí là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Ở Việt Nam đã có nhiều văn bản luật và dưới luật nhằm quản lý nhưng “từ văn bản đến thực tế là một khoảng cách khá xa. Cùng với đó sự điều chỉnh pháp luật trong quản lý kinh doanh trong những năm gần đây đã khiến doanh nghiệp kinh doanh khí rất bị động và gặp rủi ro” - lời ông Luận. 

Đại diện Bộ Công Thương cũng đồng tình khi khẳng định, hệ thống văn bản pháp lý về hoạt động kinh doanh LPG vẫn còn một số hạn chế cần tập trung hoàn thiện, đáp ứng được các yêu cầu cụ thể như xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý về kinh doanh LPG đồng bộ, có tính ổn định cao; các quy định đưa ra phải đạt được sự đồng thuận, có tính khả thi cao vì mục tiêu phát triển chung của cả ngành.

Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh LPG tăng cường đầu tư ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các doanh nghiệp khác cũng đã đưa ra các kiến nghị trong việc thúc đẩy áp dụng KHCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG (như áp dụng số hóa, quản lý và truy xuất nguồn gốc bình LPG bằng số serie) để đảm bảo thị trường có thể hoạt động lành mạnh, các doanh nghiệp lớn không bị ảnh hưởng uy tín bởi những chiêu trò kinh doanh của các nhà phân phối nhỏ, lẻ, để đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn cho LPG.

Đọc thêm