Xác minh kho nhôm nghi gian lận xuất xứ
Một kho nhôm trị giá đến 4,3 tỷ USD của Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam (trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bị giám sát do bị nghi ngờ có gian lận về xuất xứ đang được TCHQ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan khác kiểm tra.
Vào thời điểm kho hàng bị phát hiện, mặt hàng nhôm Trung Quốc XK vào Mỹ chịu mức thuế 374%, trong khi đó, từ Việt Nam, mặt hàng này chỉ chịu mức thuế 15%. Đại diện TCHQ cho biết, số lượng nhôm này do một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm sau đó thực hiện vài động tác gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam XK đi Mỹ và một số nước khác.
Đáng chú ý, hiện nay, TCHQ đang phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. “Các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra” - Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn thông tin trong một cuộc họp gần đây với báo chí.
Ông Cẩn cũng cho biết, theo Hải quan Mỹ, kể cả khi DN dùng thủ đoạn nhập khẩu nhôm thanh, nhôm thỏi, nhôm thành phẩm về đưa vào lò nấu thành nhôm thỏi rồi cán thành nhôm thanh cũng không đủ điều kiện có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi.
Ngoài vụ thu giữ nhôm nói trên, hiện còn có 10 container xe đạp đang được tạm giữ tại Hải quan Bình Dương. Qua kiểm tra hồ sơ, thực tế hàng hóa, gần như 100% nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp lấy xuất xứ Việt Nam để XK. Đây được coi là những biện pháp cần thiết để giữ cho hàng hóa Việt Nam không bị “vạ lây” bởi những vụ việc giả mạo xuất xứ đã từng xuất hiện trước đây.
Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu
Theo thông báo của Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng với các vụ việc điều tra chống bán phá giá và ra cảnh báo với DN Việt Nam. Cụ thể, DOC kết luận, các nhà XK Thái Lan đã bán phá giá thép sợi carbon và thép hợp kim với biên độ phá giá là 20,83%; Các nhà XK thùng chứa bằng thép không gỉ từ Trung Quốc đã bán phá giá thùng chứa bằng thép không gỉ với biên độ lên đến 77,13%. Đặc biệt, với mặt hàng nệm từ Trung Quốc, DOC khẳng định các nhà XK từ Trung Quốc đã bán phá giá sản phẩm nệm với biên độ phá giá lên đến 1.731%.
Theo đại diện Bộ Công Thương, kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, DOC đã khởi xướng 184 vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mới, điều này thể hiện việc tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại là trọng tâm chính của Mỹ hiện nay.
Trong khi đó, mặc dù Mỹ không phải thị trường XK sắt thép lớn nhất của Việt Nam nhưng lại là thị trường mà sắt thép Việt Nam XK có giá nhất (giá trung bình cao nhất) nên nguy cơ gian lận xuất xứ sắt thép Việt Nam để hưởng lợi là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó cũng đã có những cảnh báo cho thấy, thép nhập khẩu đang tràn vào Việt Nam.
Do đó, để tránh các hệ quả phát sinh từ các vụ việc trên, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các DN sản xuất, XK của Việt Nam cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc đầu tư, mở rộng đầu tư, công suất, kế hoạch sản xuất, XK các sản phẩm trên sang thị trường Hoa Kỳ; Phải tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định về quy tắc xuất xứ, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, “không tiếp tay cho các DN có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam để XK các sản phẩm bị áp thuế nói trên sang thị trường Hoa Kỳ” - thông báo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã công bố nhóm 13 sản phẩm có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế ở các thị trường Mỹ, Canada và Châu Âu. Trong danh sách này, có một số mặt hàng mà Mỹ đã công bố biên độ bán phá giá của các nhà nhập khẩu như thép, nệm. Danh sách này còn cảnh báo một số mặt hàng được đưa vào diện cần tiến hành theo dõi chặt chẽ như gỗ dán, đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn…