Nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị COVID-19 mới nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, thay thế hướng dẫn sửa đổi lần thứ 4 (ban hành ngày 26/4).
Nhiều thay đổi trong phác đồ điều trị COVID-19 mới nhất

Cập nhật một số triệu chứng lâm sàng

So với bản cập nhật cuối tháng 4, trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế đã bổ sung virus SARS-CoV-2 lây qua đường hô hấp.

Virus đang biến đổi liên tục tạo ra nhiều biến thể khác nhau làm tăng khả năng lây lan và khó kiểm soát.

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế cập nhật thêm một số triệu chứng lâm sàng bao gồm đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.

Bộ Y tế cho biết, người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, bao gồm từ nhiễm không có triệu chứng tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng ARDS, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nhồi máu phổi, đột quỵ…

Theo hướng dẫn, sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng ARDS, bệnh nhân sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Có rất nhiều điểm mới đáng chú ý trong hướng dẫn mới ban hành. Theo đó, thay vì đưa toàn bộ bệnh nhân COVID-19 vào một nhóm, bệnh nhân đủ 2 xét nghiệm âm tính mới được ra viện, hướng dẫn mới đã phân nhóm bệnh nhân hợp lý hơn và cho phép bệnh nhân còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, ít nguy cơ lây nhiễm được xuất viện.

Quyết định mới của Bộ Y tế.

Quyết định mới của Bộ Y tế.

Sau xuất viện, người bệnh được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương thêm 14 ngày. Mỗi ngày đo thân nhiệt 2 lần, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp và có bất thường sức khỏe thì báo ngay cho y tế địa phương.

Một thay đổi nữa là các ca bệnh dương tính đã được điều trị và đủ tiêu chuẩn xuất viện, nếu có kết quả xét nghiệm tái dương tính thì không phải trở lại bệnh viện điều trị.

Theo dõi và điều trị chung

Theo Bộ Y tế, COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu. Do vậy, phải chú ý bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ calo và các vitamin thiết yếu cho các người bệnh. Có thể áp dụng một số phác đồ điều trị nghiên cứu được Bộ Y tế cho phép; cần theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

Các biện pháp theo dõi và điều trị chung được khuyến cáo là nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được bảo đảm thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí hoặc các biện pháp khử trùng phòng bệnh khác như đèn cực tím (nếu có); vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, súc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường; giữ ấm; uống đủ nước, bảo đảm cân bằng dịch, điện giải; thận trọng khi truyền dịch cho người bệnh viêm phổi nhưng không có dấu hiệu của sốc.

Trong các biện pháp nói trên, việc giữ vệ sinh mũi họng lại được đề cập bởi, trước khi virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập xuống phổi và gây ra các biến chứng nguy hiểm, chúng phải đi vào mũi, miệng, sinh sôi ở vùng hầu họng, sau một thời gian ủ bệnh mới di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản). Do đó, nếu bảo vệ tốt “chốt chặn” này bằng cách súc miệng, súc họng sát khuẩn giúp hỗ trợ phòng bệnh.

Hiện, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước súc họng, nhưng việc chọn lựa loại sát khuẩn phù hợp lại là tiêu chí cần được ưu tiên nhất. Với trẻ nhỏ nên chọn loại sản phẩm riêng biệt dùng theo độ tuổi.

Để đảm bảo an toàn, tốt nhất nên chọn sản phẩm từ công ty dược uy tín trên thị trường, phải được kiểm chứng nghiêm ngặt của các cơ quan kiểm định y tế. Khi sử dụng không kích ứng da và niêm mạc, không gây xót, gây độc tính ngay cả khi uống phải.

"Đừng quên áp dụng các biện pháp khác như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, nâng cao sức đề kháng… vì hiệu quả của việc phòng bệnh cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các biện pháp", Bộ Y tế khuyến cáo.

Tính đến sáng 20/7, Việt Nam có tổng cộng 60.180 ca mắc, trong đó 58.100 ca trong nước và 2.080 ca nhập cảnh.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 56.530 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11/58 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 11.047 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 118 ca.

Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm