Rất nhiều thị trường đang đợi… hàng hóa Việt
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, TTTM tại Úc cho biết, từ năm 2019, nhãn tươi Việt Nam đã có thể xuất sang Úc, sau đó có thể là tôm tươi nguyên con. Riêng về các mặt hàng đã có thể xuất khẩu vào Úc, bà Thúy có thể giúp các DN cung cấp khăn mặt bông kết nối ngay với một khách sạn. Ngoài ra, bà Thúy còn khẳng định, hiện thị trường Úc cũng rất quan tâm đến mặt hàng xoài xanh.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, TTTM tại Thụy Sỹ lại đưa ra một thông tin được coi là đặc điểm gần như riêng có tại Thụy Sỹ. Đó là việc các siêu thị lớn thường xuyên thay đổi đơn vị cung cấp các mặt hàng bày bán nên sẽ có rất nhiều cơ hội cho DN Việt, đặc biệt là các sản phẩm bột gạo, hoa quả. Tuy nhiên, Tham tán Quyền nhấn mạnh: “Nhưng họ sẽ đòi hỏi tiêu chuẩn khá cao, do đó, DN Việt mình cần phải thay đổi, nâng cấp phẩm chất, chất lượng hàng hóa”.
TTTM Đỗ Thị Thu Hương ở Canada cũng cho biết một thông tin “sốt dẻo”, đó là Canada đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ thị trường Việt Nam, thay thế cho các nhà cung cấp từ thị trường Trung Quốc. Lý do được đưa ra là thuế suất nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam vào Canada đã về 0%, trong khi cũng các loại mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc phải chịu thuế suất tới 17%. Đây là cơ hội rất lớn cho DN Việt tiến vào một thị trường quan trọng của khu vực Bắc Mỹ.
“Ngoài các thị trường đang có nhu cầu kể trên còn một thị trường cực kỳ tiềm năng mà các DN cần quan tâm, đầu tư vào, đó là đất nước Panama” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tiết lộ. Ông Lưu Vạn Khang, TTTM tại Panama cho biết thêm, Panama là 1 nước trung chuyển của vùng Caribe và khu vực bắc Nam mỹ, có vị trí địa lý thuận lợi khi có kênh đào Panama dài 80 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, có khu thương mại tự do Colón, chuyên cung cấp dịch vụ ký hợp đồng theo nhiều hình thức.
Theo ông Khang, khu thương mại tự do Colón có các hình thức hợp tác phù hợp với mọi loại hình DN, họ có thể ký kết đủ các loại hợp đồng, từ hợp đồng trưng bày hàng hóa có người bán hàng giúp, chỉ thu một phần phí hoặc thuê kiot trọn gói (dưới hình thức phân phối với giá thấp hơn để họ bán lại), hoặc thuê gian hàng và cử người sang bán trực tiếp. Tại khu trung tâm này, DN có thể bán cho đối tượng của nước sở tại hoặc bán đi mọi thị trường khác khi khu trung tâm này thu hút rất nhiều DN từ các nước khác sang tìm kiếm đối tác và hàng hóa.
Ông Khang cũng bày tỏ mong muốn một số DN đầu tàu của Việt Nam có thể đứng ra xây dựng khu trung tâm thương mại kiểu như Colón, hoặc có thể kết hợp nhiều công ty nhỏ khác cùng muốn bán hàng đến thị trường Mỹ Latin, theo mô hình nuôi tạo DN, các công ty cùng cử người sang bán hàng tại khu Colón và “nên đi theo hình thức nhiều công ty cùng kết hợp vì nếu đi nhỏ lẻ sẽ gặp phải tình trạng ép giá rất lớn” – ông Khang khẳng định.
Cần đẩy mạnh kết nối nhiều hơn nữa…
Những tín hiệu trên đều các lãnh đạo nhà nước và bộ, ngành đánh giá cao, nhất là trong cuộc gặp gỡ giữa các TTTM với lãnh đạo nhà nước, như cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trước Tết Nguyên đán và cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra ngày 01/3 mới đây.
Chủ tịch nước đánh giá, Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã làm tốt công tác thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận thị trường các nước; từng bước đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối quốc tế cũng như bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước đề nghị các TTTM cần nắm vững phương châm “Lấy thành công của DN, hàng hóa Việt Nam làm kim chỉ nam cho hành động của mình”, chủ động nắm bắt các diễn biến tại thị trường sở tại, từ đó kịp thời khuyến nghị chính sách về thị trường cho Việt Nam.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng mong muốn, các TTTM và Trưởng các bộ phận Thương vụ Việt Nam tại các nước cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN, tìm hiểu thông tin thị trường và kết nối với các đối tác sở tại. Đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ký kết.