Nhiều tỉnh, thành đốc thúc chuẩn bị cho ngày hội toàn dân

(PLO) - Trong ngày 15/3, tại Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Nam, Sóc Trăng, các đoàn công tác của T.Ư đã đến làm việc, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiểm tra công tác bầu cử tại Hòa Bình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kiểm tra công tác bầu cử tại Hòa Bình.

Tại Hà Nội, sáng 15/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia có buổi làm việc với TP Hà Nội về công tác chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp của thành phố. Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử của TP Hà Nội tiến hành chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ các khâu có liên quan. Phó Thủ tướng lưu ý Hà Nội một số vấn đề liên quan như người Việt Nam ở nước ngoài về nước, số lượng học sinh sinh viên trên địa bàn; bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu đại biểu, đồng thời tuyệt đối bảo đảm an ninh an toàn cho cuộc bầu cử. Thành phố cần khẩn trương theo dõi, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh, vấn đề nào chưa xử lý được thì báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, trả lời; cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân.

Theo báo cáo của Ủy ban Bầu cử (UBBC) TP Hà Nội, tổng số người nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH là 87 người, trong đó có 40 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu, 47 người tự ứng cử. Tổng số người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP là 205 người, trong đó 196 người do cơ quan, tổ chức giới thiệu, 9 người tự ứng cử. Đối với 40 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Hà Nội giới thiệu ứng cử ĐBQH, có 17 đại biểu nữ (42,5%), 3 người ngoài Đảng (7,5%), 2 đại biểu người dân tộc thiểu số (5%), 6 người là ĐBQH khóa trước (15%), 7 người đã tham gia HĐND TP (17,5%), 2 người đã tham gia HĐND cấp huyện (5%), 3 người tham gia HĐND cấp xã (7,5%), 1 người Hội thánh Tin Lành (2,5%).

Tại Hòa Bình, theo báo cáo của UBBC tỉnh Hòa Bình, đến ngày 13/3, tỉnh đã tiếp nhận 20 hồ sơ giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV; 123 hồ sơ giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 729 hồ sơ giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 9.555 hồ sơ giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBBC tỉnh Hòa Bình, đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đề nghị tỉnh cần bổ sung tỷ lệ chức sắc, thành phần tôn giáo trong biểu mẫu, số lượng, tỷ lệ dân tộc thiểu số... 

Tại tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này công tác chuẩn bị bầu cử đã được tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Căn cứ vào kết quả hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần và số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ cho 10 cơ quan, đơn vị giới thiệu 12 người ra ứng cử. UBBC tỉnh Quảng Nam cũng đã tiếp nhận 3 hồ sơ của người tự ứng cử ĐBQH khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp nhận 104 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có 101 người được giới thiệu ra ứng cử và 3 người tự ứng cử.

Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự an toàn xã hội đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác triển khai thực hiện tốt các nội dung văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương về công tác chuẩn bị bầu cử, đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, số lượng và đúng quy định của pháp luật về cơ cấu, thành phần người ra ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Đồng chí cũng  lưu ý tỉnh Quảng Nam sớm giải quyết dứt điểm những công việc còn lại để ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp đến đảm bảo được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Sóc Trăng, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội biểu dương tỉnh đã triển khai sớm công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Trong thời gian ngắn nhưng Sóc Trăng đã hoàn thành tốt công tác hiệp thương, giới thiệu và tỷ lệ các ứng cử viên tham gia bầu cử ở các cấp có chất lượng, cơ cấu vượt chỉ tiêu, nhất là cơ cấu nữ, cơ cấu người dân tộc, người trẻ tuổi… Bà Mai cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần tuyên truyền mạnh trong vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, đồng thời làm tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống đồng bào còn khó khăn, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn…

Báo cáo với đoàn công tác, ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay tỉnh đã hoàn thành hiệp thương lần thứ nhất và đang chuẩn bị hiệp thương lần thứ 2. Tỉnh đã giới thiệu 12 ứng cử viên để bầu 7 ĐBQH. Về cơ cấu, có 5 nữ (tỷ lệ 41,67%), dân tộc: 5 người, trẻ tuổi: 5 người, ngoài Đảng: 1 người.

Đọc thêm