Nhiều vấn đề quan trọng về Luật Hình sự được QH thảo luận

(PLO) - Hôm nay, QH họp phiên toàn thể tại hội trường bàn về Dự thảo Luật Hình sự sửa đổi. Trước khi các ĐB tiến hành thảo luận, UBTVQH đã có báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) 
Về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân: Theo báo cáo của UBTVQH, qua quá trình tổng hợp ý kiến góp ý, cho thấy nhiều ý kiến tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào BLHS. Một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này. Kết quả lấy ý kiến Nhân dân, đa số ý kiến các bộ, ngành Trung ương và địa phương tán thành việc quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS  . 
UBTVQH tán thành với ý kiến thứ nhất. Bởi quy định TNHS của pháp nhân vào BLHS là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. 
Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam, việc bổ sung TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân.  
Về phạm vi TNHS của pháp nhân: Việc xác định phạm vi chịu TNHS của pháp nhân cần được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá tính phổ biến, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các vi phạm của pháp nhân qua thực tiễn xử lý vi phạm hành chính trong thời gian qua để chọn lựa những hành vi vi phạm cần phải bị xử lý về hình sự, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, có chọn lọc tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Trên cơ sở ý kiến của đa số Nhân dân và ĐBQH, qua rà soát, UBTVQH dự kiến quy định phạm vi TNHS của pháp nhân gồm 40 tội danh như quy định tại Điều 76 dự thảo.
Về phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi (Điều 12); UBTVQH nhận thấy, việc quy định cụ thể các tội mà NCTN phải chịu TNHS sẽ bảo đảm tính minh bạch, nhân đạo trong xử lý hình sự đối với NCTN theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, đồng thời, tạo cơ sở để phân hóa trong việc xử lý NCTN vi phạm pháp luật. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng, quy định cụ thể các tội danh mà NCTN từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS như khoản 2 Điều 12 dự thảo.
Về việc việc bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù, theo UBTVQH xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay là việc chấp hành hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ không nghiêm, kém hiệu quả. 
Tuy nhiên, việc người bị kết án chấp hành không nghiêm loại hình phạt này là do khâu tổ chức thực hiện mà không phải do hạn chế của bản thân hình phạt. Hơn nữa, nếu quy định chuyển hình phạt nhẹ (phạt tiền, cải tạo không giam giữ) sang hình phạt nặng hơn (phạt tù) sẽ trái với nguyên tắc hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như không phù hợp với chủ trương giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ theo định hướng cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, việc phân định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cũng như việc xác định tỷ lệ chuyển đổi cụ thể là hết sức phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng. Do vậy, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung quy định này và cho giữ quy định tại các điều 35, 36 dự thảo. 
Về không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên: UBTVQH nhận thấy, quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo đa số ý kiến Nhân dân và ĐBQH, theo đó, quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên (khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 40 dự thảo).
Đối với nhiều trường hợp khác, UBTVQH nhận thấy, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. 
Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình. Do đó, UBTVQH đề nghị chỉnh lý điểm c khoản 3 Điều 40 cụ thể như sau: “Người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Về quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân: Một số ý kiến góp ý tán thành với phương án quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân. Ý kiến khác đề nghị vẫn quy định cho xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn. Kết quả lấy kiến Nhân dân cũng có hai loại ý kiến như trên 
UBTVQH cho rằng mặc dù việc không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân sẽ làm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm phát sinh một loại hình phạt mới (tù chung thân không giảm án), người bị áp dụng dễ nảy sinh tâm lý cực đoan, tiêu cực như chống phá trại giam, tự vẫn, bỏ trốn,... vì không còn động cơ để cải tạo, phục thiện.
Do đó, UBTVQH đề nghị tiếp thu theo loại ý kiến thứ hai, theo đó, để được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân phải có điều kiện chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác, cụ thể: “Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là tù 30 năm” (khoản 6 Điều 63 dự thảo). 
UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội cho bãi bỏ nhiều tội trong BLHS hiện hành, cụ thể: - Tội hoạt động phỉ; Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, - Tội tảo hôn: người phạm tội chủ yếu do nhận thức lạc hậu, chỉ cần xử lý về hành chính, việc xử lý hình sự chỉ nên áp dụng đối với người tổ chức tảo hôn (Điều 183 dự thảo); Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật; Tội kinh doanh trái phép; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng thực tế không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và thể chế kinh tế thị; Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng;

Đọc thêm