- Xin bà sơ lược một số kết quả xúc tiến đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 54.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm về xúc tiến đầu tư xác định: “Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế”.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những quan điểm và định hướng rõ ràng về công tác này. Trong đó, ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Kim Long Motors. |
Đồng thời, chú trọng xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm logistic. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển…
Nhìn chung sau bốn năm thực hiện Nghị quyết 54, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, trong năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được 32 dự án đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, do dịch COVID-19 nên số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư giảm mạnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã ban hành, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 47 dự án với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chấp thuận 32 nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 14.500 tỷ đồng.
Năm 2022, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường và đăng ký đầu tư bắt đầu tăng cao. Kết quả xúc tiến đầu tư đã đạt được những con số khả quan như đã thu hút được 34 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 21 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận nhà đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đăng ký là 4.729 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án trong địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh với tổng vốn đăng ký là 3.627 tỷ đồng.
Lễ khởi công dự án Gilimex với vốn đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng |
Trong năm 2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 27 dự án với tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng, đã hoàn thành lựa chọn được 14 nhà đầu tư thực hiện dự án, tổng mức đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, đã công nhận 3 nhà đầu tư thực hiện dự án thông qua kết quả đấu giá lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 351,678 tỷ đồng.
- Ngoài việc đổi mới phương thức để hỗ trợ doanh nghiệp thì tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những cách làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư?
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư; gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và đưa ra quan điểm, định hướng, mục tiêu trong việc đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, luôn cải thiện môi trường đầu tư cũng như đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ và luôn coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.
Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư (cầm mic) cho rằng việc xúc tiến đầu tư phải cởi mở, đa dạng và có chiều sâu |
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã quyết liệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Đáng chú ý trong năm 2022, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác liên ngành do đồng chí Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, nhằm trực tiếp đồng hành cùng doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Hiện nay, Tổ công tác đã cụ thể thêm một bước là giao trách nhiệm cho các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) phụ trách từng nhóm dự án và có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan. Đồng thời, những chuyên viên này sẽ làm đầu mối hỗ trợ nhà đầu tư, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn cùng các Sở, ngành để xử lý từng nội dung công việc.
Điều đặc biệt là Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh luôn đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư theo nguyên tắc quan tâm tới nhu cầu của nhà đầu tư. Xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng điểm, địa bàn động lực, nhà đầu tư chiến lược và các dự án có tính động lực, lan tỏa cao. Trung tâm cũng trực tiếp làm việc với từng nhà đầu tư để giới thiệu các dự án cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và lợi ích của các nhà đầu tư. Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối với các tổ chức xúc tiến đầu tư, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư.
Cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp luôn hết mình thực hiện theo hướng của tỉnh và vì lợi ích của các nhà đầu tư |
Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình cà phê sáng cùng doanh nghiệp nhằm tiếp xúc, đối thoại, động viên, lắng nghe chia sẻ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp đồng thời cũng là nơi giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp với nhau.
- Xin bà cho biết việc hợp tác xúc tiến đầu tư trong nước và đặc biệt là quốc tế trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo: Trong thời gian qua, tỉnh thường xuyên chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức và quy mô khác nhau như Tham dự Diễn đàn với chủ đề: “Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: tăng trưởng xanh và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững” do Bộ Ngoại Giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng. Tham dự “Hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung Bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng” tại Tỉnh Nghệ An.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo (ở giữa) tại lễ khởi công Trung tâm thương mại lớn nhất miền Trung "AEON MALL HUẾ" |
Ngoài ra, đã tổ chức các Hội thảo, Hội nghị như: “Hội thảo đào tạo, tập huấn công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”. Phối hợp với ông Nguyễn Hữu Lam (Tiến sỹ về Phát triển Nguồn Nhân lực, Đại học Texas A&M, USA), Trường Quản lý thuộc Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) tổ chức “Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng mềm về hỗ trợ dự án đầu tư”.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (hàng đầu bên trái) tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản. |
Tỉnh cũng đã phối hợp, tham dự các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và ký kết các thoả thuận hợp tác về xúc tiến đầu tư với các tổ chức, hiệp hội tại nước sở tại như “Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2023”. Tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản). Tham gia đoàn công tác tham dự diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào tại Thái Lan.
Tham dự buổi làm việc với Tập đoàn Mitani Sangyo (Nhật Bản) về tình hình hoạt động kinh doanh đầu tư của Tập đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế và cung cấp các chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!