Nhớ Trần Cảnh Đôn, nhớ một thời vàng son phim “mì ăn liền” Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Có một thời, dòng phim giải trí được mệnh danh “mì ăn liền” thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt, tạo ra rất nhiều ngôi sao được hâm mộ cuồng nhiệt.

Kí ức một thời

Từ sự ra đi đột ngột của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, nhiều nghệ sĩ và người yêu điện ảnh Việt ngậm ngùi nhắc về những kí ức thời vàng son của dòng phim giải trí Việt, trong đó, có rất nhiều đóng góp của ông: Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn, Vòng vây tội lỗi, Đoạn cuối ở Bangkok, Cô thủ môn tội nghiệp... Những bộ phim ấy từng một thời được cả một thế hệ yêu điện ảnh Việt say mê, đồng thời góp phần vun đắp tên tuổi biết bao diễn viên lừng lẫy: Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương, Thanh Mai, Lê Công Tuấn Anh...

Với Việt Trinh, nữ diễn viên một thời thống trị màn ảnh Việt, Trần Cảnh Đôn không chỉ là một đồng nghiệp, người từng hợp tác trong nghệ thuật mà còn là người nữ diễn viên mang ơn. Bởi chính đạo diễn Trần Cảnh Đôn là người đã đưa cô đến với nổi tiếng và danh vọng. Việt Trinh kể khi Trần Cảnh Đôn làm phim Lý Thông - Thạch Sanh, cô tham gia vai phụ, xuất hiện trong cảnh người hầu bê nước cho mẹ của Lý Thông (Thành Lộc đóng). Một vai diễn thoáng qua, nhưng nhờ gương mặt sáng và cách diễn nhập tâm, Việt Trinh lọt vào mắt xanh người đạo diễn. Sau đó, Việt Trinh nhận được vai chính phim Ngọc trong đá.

Việt Trinh, nữ hoàng một thời của dòng phim "mì ăn liền"

Việt Trinh, nữ hoàng một thời của dòng phim "mì ăn liền"

Ngọc trong đá là tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của Trần Cảnh Đôn, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Đông Thức. Phim kể về Hương (hoa hậu Lý Thu Thảo) - lớn lên trong gia đình trung lưu, gia nhập đội thanh niên xung phong ở nông trường Lê Minh Xuân. Tại đây, cô gặp Oanh (Việt Trinh), Mạnh (Việt Dũng), Dũng (Lý Hùng)... Họ trải qua nhiều gian nan, thử thách để khẳng định giá trị bản thân.

Tác phẩm đạt hơn 800 triệu đồng doanh thu, một con số “khủng” của năm 1990, mang về cho Trần Cảnh Đôn nhiều giải thưởng. Từ đây, tên tuổi Việt Trinh đến với rộng rãi công chúng. Việt Trinh từng chia sẻ: "Người sinh ra Việt Trinh lần thứ nhất trong điện ảnh là đạo diễn Trần Cảnh Đôn với Ngọc trong đá".

Trần Cảnh Đôn còn có một loạt phim ăn khách nhất nhì thời điểm ấy, với sự góp mặt của hàng loạt “siêu sao” một thời. Cô thủ môn tội nghiệp (1991) khai thác đề tài bóng đá nữ - ít xuất hiện trong phim thời bấy giờ, mang đến cho khán giả góc nhìn mới về bộ môn thể thao này. Tác phẩm đưa tên tuổi Thanh Mai - khi ấy còn là sinh viên múa - trở thành diễn viên tiềm năng. Đồng thời, đem lại cho Trần Cảnh Đôn giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam.

Phim Ngôi sao cô đơn (1992) với sự tham gia của Thanh Hoa, Phương Thảo, Lê Tuấn Anh, Đơn Dương, Khánh Hoàng, Kim Xuân... gây tiếng vang lớn và được coi là một trong những “chuẩn mực” của phim thị trường thời bấy giờ. Vòng vây tội lỗi (1993) cũng gây sốt cho thị trường phim Việt, góp phần nâng giá trị “thương hiệu” của Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh...

Giải oan cho phim “mì ăn liền”

Kí ức của dòng phim mì ăn liền thập niên 90 đưa người mộ điệu về với những tác phẩm đừng làm khán giả say đắm một thời của các đạo diễn khác như Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng), Tráng sĩ bồ đề (đạo diễn Lê Mộng Hoàng), Vĩnh biệt mùa Hè (đạo diễn Lê Hoàng Hoa)...

Phim Vị đắng tình yêu

Phim Vị đắng tình yêu

Có một thời, dòng phim “mì ăn liền” bị chê bai, phủ nhận vì cho rằng chỉ chạy đua theo thị hiếu nghèo nàn của khán giả, dễ dãi trong sản xuất. Tuy nhiên, trong những năm qua, đã có không ít nhà làm phim lên tiếng minh oan cho dòng phim này. Không thể phủ nhận rằng, xuất hiện vào đầu thập niên 1990, dòng phim “mì ăn liền” gắn liền với một thời hoàng kim của lịch sử điện ảnh Việt thời mở cửa. Dù mang tiếng “chạy theo thị hiếu”, vẫn có không ít tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa ăn khách. Đặc biệt dòng phim ấy tạo nên một thế hệ diễn viên ngôi sao mà đến bây giờ hiếm thấy ai được yêu mến và có vị trí lâu bền trong lòng khán giả đến vậy.

Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng từng cho rằng thời kỳ phim “mì ăn liền” còn có cả những đạo diễn, nhà làm phim giỏi, học từ nước ngoài về, có nghề và trách nhiệm với công việc. “Do vậy, có lẽ việc phân biệt phim thương mại hay nghệ thuật không phải quan trọng nhất. Điều đáng nói, ở thời đại nào, người xem cũng quan tâm tới một câu hỏi chung: Phim có được làm bằng sự tử tế và sự trân trọng khán giả hay không?”, vị đạo diễn nhấn mạnh.

Sinh thời, đạo diễn Trần Cảnh Đôn cũng ít khi phản bác khi tên tuổi mình bị gắn với dòng phim “mì ăn liền”. Ông chỉ đơn giản chia sẻ rằng, ông không quan tâm dòng phim ấy tên gọi là gì. Thước đo duy nhất đối với ông chính là sự yêu thích của khán giả đối với mỗi tác phẩm, mỗi bộ phim.