“Không nói đến khả năng thi hành 1/20 số tiền nộp cho ngân sách Nhà nước, chỉ là khoản tiền 200 ngàn đồng án phí hình sự cũng khó thực hiện, chưa kể các án tồn đọng về ma túy”, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Sóc Sơn (Hà Nội) Trần Văn Ba trần tình..
Hình minh họa nguồn Internet |
Nghiện hút, lấy tiền đâu nộp phạt?
2 năm, THADS huyện Sóc Sơn đã thi hành xong hơn 1.400 việc với giá trị tiền, hiện vật là gần 10 tỷ đồng, đạt 93% về việc và 81% về tiền, giảm hơn 300 việc tồn đọng. Kể từ khi Luật THADS có hiệu lực số đơn khiếu nại tố cáo giảm, trong 2 năm chỉ có 2 đơn khiếu nại tố cáo và đều được giải quyết theo luật định. Công tác phối hợp được duy trì có hiệu quả.
Mặc dù vậy, cho đến nay lượng án tồn đọng ở Sóc Sơn vẫn còn đến 160 việc. Trong đó, có nhiều nguyên nhân. Theo ông Trần Văn Ba, Chi cục trưởng thì nhiều trường hợp không có khả năng nộp 1/20 đối với số tiền THA nộp cho ngân sách Nhà nước. Khoản án phí hình sự 200 ngàn cũng rất khó thu. Hiện nay, số vụ việc còn tồn đọng nhiều thuộc loại án về ma túy các khoản tiền phạt, truy thu từ 10 triệu trở lên.
“Thực tế có hộ gia đình có 6 thành viên thì có 4 phạm tội về ma túy, trong đó 3 người nghiện, mức án cao nhất là tù chung thân và tất cả đều phải thi hành án trong trại cải tạo. Cả 4 người bị phạt 120 triệu nhưng họ chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà 40m2 thì đã chuyển nhượng một nửa do gia cảnh túng quẫn”, ông Ba kể.
Nhiều vụ việc tội đánh bạc, gá bạc số tiền phạt tương đối cao, phạm tội lần đầu không có tính chất chuyên nghiệp, ít nghiêm trọng nhưng các đối tượng cũng không có khả năng thi hành 1/20 để được xét miễn, giảm.
Tương tự, đối với các việc THA về kinh doanh, thương mại, nhiều trường hợp đến giai đoạn THA, đến trụ sở của bên phải THA đã không còn mà không rõ phá sản theo quyết định hay tự phá sản. Trong khi đó, người đại diện theo pháp luật trong giai đoạn tố tụng là người được ủy quyền. Nhiều bản án, quyết định của Tòa án cũng không rõ người được ủy quyền ở đâu. Người đứng đầu doanh nghiệp là ai?. Ông Ba khẳng định: “Những vụ này có thể tồn đọng vĩnh viễn nếu không sửa đổi cơ chế miễn giảm”.
Cấp dưỡng nuôi con: mệt nhoài
Để nhận khoản cấp dưỡng nuôi con theo án tuyên, về nguyên tắc, đương sự phải làm đơn yêu cầu THA, hoặc cơ quan THA phải lập biên bản nếu đương sự yêu cầu bằng lời.
Theo ông Ba, trong trường hợp việc THA định kỳ đương sự phải cấp dưỡng hàng tháng đối với nuôi con chung hay cấp dưỡng đối với người chưa niên trong các bản án hình sự đến khi đủ 18 tuổi thì mỗi tháng một lần, đương sự thực hiện xong nghĩa vụ của kỳ đó. Các kỳ tiếp theo lại lặp lại y như vậy. “Nếu cứ như vậy thì việc làm đơn yêu cầu, rồi lại thụ lý, ra quyết định… sẽ như thế nào đến năm 18 tuổi?. Đặc biệt có những trường hợp kéo dài hơn nữa. Vấn đề này cần có hướng dẫn”, ông Ba đề nghị.
Bên cạnh đó, việc THA giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng là việc làm vô cùng khó khăn, phức tạp. Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ đương sự chống đối quyết liệt, ba lần cưỡng chế đều không thành, người chưa thành niên vắng mặt, ở đâu không rõ. Thậm chí, đã đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng không giao được.
Thực tế này, có lẽ không chỉ xảy ra ở THA Sóc Sơn mà có lẽ ở nhiều cơ quan THA trên cả nước.
Về quy định miễn giảm, nhiều ý kiến đề nghị bỏ điều kiện nộp một phần khoản thu nộp ngân sách. Sửa thời hạn miễn giảm theo hướng: 5 năm, kể từ ngày ra quyết định THA đối với các khoản án phí không có giá ngạch. 10 năm kể từ ngày ra quyết định THA đối với các khoản phí có giá ngạch và khoản tiền nộp ngân sách khác. |
Thanh Nhàn