Giả công an để lừa đảo
Nội dung vụ án như sau: Ngày 3/11/2015 bà Trần Thị Ngân (ngụ Quận 6, TP HCM) nhận được một cuộc điện thoại của người tự xưng là công an Hà Nội. Người này thông báo, cơ quan công an vừa bắt được nhóm đối tượng buôn bán ma túy với số lượng lớn. Đồng thời qua xác minh họ cho rằng số tiền trong tài khoản của bà Ngân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy nói trên.
Sau đó bà Ngân liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại từ một người đàn ông tự giới thiệu là thượng tá công an. Người này cho rằng vụ án đang trong quá trình điều tra và yêu cầu bà giữ bí mật không được cho ai biết.
Bà Ngân khẳng định số tiền hơn 300 triệu gửi tại ngân hàng là tiền dành dụm tích lũy của bà bấy lâu nay, không phải là tiền phạm pháp. Tuy nhiên, người ở đầu dây bên kia yêu cầu bà phải chuyển tiền ra ngoài Bắc để “công an” xác minh. Nếu không vi phạm thì sẽ được trả lại, trong trường hợp bà Ngân không chuyển, chứng tỏ đó là số tiền đó là tiền “bẩn”.
Lo lắng, sợ hãi người đàn bà đồng ý làm theo các bước như người đàn ông trong điện thoại hướng dẫn.
Ban đầu, các đối tượng yêu cầu chuyển 15 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng tại Bắc Ninh, rất nhanh sau đó, số tiền được chuyển lại vào tài khoản của bà Ngân. Cùng lúc, người tự xưng là công an lại điện thoại thông báo, đã xác minh số tiền 15 triệu đồng không liên quan đến vụ án ma túy.
Đồng thời người này yêu cầu bà Ngân chuyển nốt 300 triệu còn lại trong tài khoản để tiếp tục xác minh. Tin tưởng, nạn nhân chuyển tiếp số tiền trên vào một tài khoản ngân hàng ở Hải Dương. Thao tác chuyển tiền thành công cũng là lúc số điện thoại đầu dây bên kia khóa máy. Biết mình bị lừa, bà Ngân đến công an TP HCM trình báo.
Nhiều bị can, cùng 1 thủ đoạn
Qua điều tra xác định, vào khoảng tháng 4/2015, Đồng Xuân Dũng (SN 1992, ngụ tỉnh Quảng Ninh) được anh rể cùng một số đối tượng không rõ lai lịch tại Trung Quốc rủ tham gia đường dây lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại đến các thuê bao.
Thủ đoạn các đối tượng sử dụng là giả danh cơ quan công quyền, hù dọa và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, sau đó chiếm đoạt. Dũng đồng ý tham gia với vai trò là người mở tài khoản và rút tiền tại các ngân hàng và được hưởng 10% trên tổng số tiền rút được.
Vì sợ sử dụng giấy tờ thật sẽ bị phát hiện nên anh rể chỉ đạo Dũng mua một CMND của người do công an Hải Phòng cấp. Sau đó Dũng thay ảnh và dùng CMND giả này đến ngân hàng Sacombank chi nhánh Hải Dương để mở tài khoản.
Ngoài ra, qua giới thiệu của anh rể, Dũng liên hệ với Đặng Văn Mùa (SN 1994, ngụ Hưng Yên) rủ nam thanh niên này cùng làm. Hai bên thỏa thuận chi cho Mùa 7% số tiền chiếm đoạt. Mùa dùng ảnh của mình để làm giả CMND, lập tài khoản tại ngân hàng Agribank chi nhánh Bắc Ninh.
Đến ngày 3/11/2015 anh rể báo cho Dũng biết đã lừa được bà Ngân gửi vào tài khoản số tiền 15 triệu. Theo sự chỉ đạo, Dũng đến ngân hàng chuyển trả lại nạn nhân số tiền trên, mục đích để nạn nhân tin tưởng chuyển số tiền lớn hơn. Ngày hôm sau, Dũng và Mùa đến ngân hàng Bắc Ninh rút tiền thì bị bắt.
Trước đó, bằng thủ đoạn như trên, nhóm này đã chiếm đoạt của hai nạn nhân ở quận 11 và quận 3 (TP HCM) số tiền 650 triệu
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định còn có Vũ Văn Ngoan (SN 1986, ngụ Hải Phòng) và Vũ Văn Quang cũng tham gia vào tổ chức thực hiện lừa đảo nêu trên. Cụ thể: Đầu tháng 10/2015, Ngoan được một đối tượng đồng hương rủ gây án bằng thủ đoạn gọi điện thoại như trên.
Sợ dùng tên thật sẽ bị phát hiện, Ngoan liên hệ với Quang rủ rê, hướng dẫn Quang mang CMND giả đến ngân hàng Agribank tại Hải Phòng để đăng ký tài khoản.
Đến ngày 4/11/2015, sau khi nhận được tin báo đã có người chuyển tiền vào tài khoản, Ngoan và Quang đến ngân hàng để rút tiền thì bị cảnh sát phát hiện. Ngoan bỏ trốn, sau đó đến trụ sở công an trình diện. Trước đó, nhóm này đã lừa được một nạn nhân số tiền 300 triệu đồng, Ngoan và Quang mỗi người được chia 3,5 triệu.
2 hay 1 vụ án?
Ngày 28/2/2017, TAND TP HCM đưa bốn bị cáo trên ra xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, trong phần tranh luận cả hai luật sư đều nêu quan điểm cho rằng đây là hai vụ án riêng biệt. Ngoại trừ việc chung thủ đoạn thì các đối tượng thực hiện, địa bàn thực hiện, nạn nhân đều khác nhau. Đồng thời, các luật sư nhận định việc VKS “gộp” hai vụ làm một gây bất lợi cho các bị cáo.
Đại diện VKS phát biểu: Đây là một chuyên án, sau khi phát hiện hành vi của nhóm Dũng và Mùa thì cơ quan điều tra cũng đã phát hiện trong đó có CMND giả mang tên Nguyễn Văn Khơi. Trong đó nhóm Ngoan và Quang cũng sử dụng CMND này để mở tài khoản ngân hàng, đang chuẩn bị phạm tội. VKS khẳng định, hai vụ án này là cùng 1 vụ án, do một đường dây lừa đảo thực hiện và đang được tiếp tục mở rộng điều tra.
VKS phân tích: VKS căn cứ vào hành vi của từng bị bị cáo để truy tố các ở khung hình phạt khác nhau, ứng với số tiền mà các bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt, chứ không cộng dồn 2 vụ án này làm một để truy tố. Do đó không có chuyện gây bất lợi cho các bị cáo như các luật sư lo ngại.
Đồng quan điểm với đại diện VKS, HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng cáo trạng của viện kiểm sát là có căn cứ. Từ đó tuyên phạt Dũng mức án 9 năm tù, Mùa 8 năm tù, Ngoan, Quang cùng 6 năm tù./.