Nhộn nhịp mua bán nợ xấu

(PLO) - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang rất “đắt hàng” với hàng dài các món nợ xấu chờ được mua. Khi dòng tiền bắt đầu có biểu hiện “thông”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhắc nhở tổ chức tín dụng về mục tiêu tới năm 2015 giải quyết cơ bản các khoản nợ xấu hiện nay.
Gần 40.000 tỷ đồng đang chờ được mua
Theo đề nghị của VAMC, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vừa phát hành trái phiếu đặc biệt cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), tổng mệnh giá trái phiếu 30,4 tỷ đồng, có hiệu lực từ ngày 13/11/2013 đến ngày 13/11/2018. Đây là khoản trái phiếu đặc biệt thứ hai mà VAMC chấp nhận cho SHB, sau khoản 74,65 tỷ đồng phát hành trung tuần tháng 10. 
 Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng
phải đánh giá đúng thực trạng các khoản vay.
Ảnh minh họa
Đến nay, VAMC đã mua 12.430 tỉ đồng nợ xấu của 15 ngân hàng thương mại với giá trị sổ sách là 15.700 tỉ đồng. Theo tin từ VAMC, đến thời điểm này, có 23 ngân hàng đề nghị bán nợ cho VAMC, với tổng số nợ xấu đề nghị mua lên đến 38.000 tỉ đồng. Hiện VAMC đang trong quá trình thẩm định trước khi phê duyệt. Mục tiêu từ nay đến cuối năm VAMC sẽ mua 30.000-35.000 tỉ đồng nợ xấu.
Như vậy, một khoản nợ xấu không nhỏ đã được “khoanh” lại, và các ngân hàng thay vì ôm cục nợ chẳng thể làm gì lại có thể vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước để đẩy thêm vốn vào lưu thông, cải thiện tình trạng kinh doanh. Đã vậy, doanh nghiệp có khoản nợ xấu cũng “bình tĩnh” hơn khi có một khoảng thời gian không ít để cùng ngân hàng thương thảo giải quyết khoản nợ xấu đó. 
Chấm dứt ngay việc cho vay trả lãi
Để đạt các mục tiêu mà Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đặt ra, Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng quyết liệt xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013-2015 - một phần của phương án tổng thể cơ cấu lại tổ chức tín dụng. 
Trong đó, mục tiêu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng”.
Các tổ chức tín dụng phải đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng năm 2011, 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Đồng thời, cũng phải rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng các khoản cho vay trả lãi vay ngân hàng, gồm nợ lãi đến hạn khách hàng không trả được tính vào nợ gốc của khoản vay, các khoản nợ cho vay để trả lãi...; đánh giá đúng mức độ rủi ro của các khoản vay nói trên, thực trạng tài chính, sản xuất kinh doanh của khách hàng liên quan đến các khoản vay này.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần đề xuất các giải pháp để xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó phải tăng cường chất lượng thẩm định, giám sát vốn vay để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các tổ chức tín dụng chấm dứt ngay việc cho vay trả lãi trái quy định của pháp luật.

Đọc thêm