Rác thải, khí thải, nước thải “bủa vây”
Đặt chân đến cụm công nghiệp (CCN) Cầu Nổi, quang cảnh nhếch nhác đập vào mắt người quan sát. Con đường duy nhất dẫn vào CCN chỉ dài khoảng 1km nhưng phần lớn đều bị hư hỏng nghiêm trọng. Tuyến đường gồ ghề, lởm chởm những ổ gà, ổ voi, không khác gì những cái bẫy với người đi đường, và những công nhân làm việc trong CCN.
Theo những công nhân làm việc tại đây, “thủ phạm” băm nát tuyến đường này là những đoàn xe tải, xe bồn chở bê tông. Một công nhân tại đây cho biết: “Con đường này trước cũng được đổ bê tông bằng phẳng, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó thì biến dạng như bây giờ. Đi trên đoạn đường này không ai dám đi nhanh vì rất dễ bị ngã”.
Đường trong CCN không chỉ bị hư hỏng do xe tải nặng mà còn phải gánh một khối lượng lớn rác thải từ các nhà máy, xưởng sản xuất trong cụm công nghiệp đổ ra. Từ khi CCN đi vào hoạt động, lượng rác thải tồn đọng ở đây ngày càng nhiều.
Một công nhân làm việc trong CCN chia sẻ: “Hàng ngày một số người đều mang rác bên trong xưởng vứt ra ngoài này, lâu lâu tích tụ lại khiến nơi đây chẳng khác gì bãi rác. Tôi cứ nghĩ đổ ra đây rồi sẽ có đơn vị môi trường đến thu gom nhưng thực tế thì không có”.
Nằm ngay đầu CCN, bức tường của xưởng sản xuất đồ gỗ bao phủ màu trắng xóa, phủ dày mùn gỗ. Theo quan sát, chỉ một đoạn tường ngắn đã có 5 ống dẫn bụi tuôn ra ngoài. Một người dân sống tại An Khánh cho biết: “Thời điểm đầu năm xưởng chưa sản xuất mạnh thì không khí ở đây còn đỡ bụi, chứ vào độ cao điểm, khu này bụi gỗ trắng xóa. Ai đi qua không bịt khẩu trang kín thì không thể chịu nổi”.
Ở phía đối diện, một xưởng sơn tĩnh điện đang hoạt động, tiếng máy móc gào rú ầm ầm. Bên hông nhà xưởng, một ống khói khổng lồ nhả khói nghi ngút, kèm với đó là một thứ mùi khiến ai hít phải cũng có cảm giác khó chịu, xung quanh là rác thải công nghiệp ngập ngụa.
Sống gần CCN Cầu Nổi, sinh hoạt của người dân thôn Miêu Nha (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm) bị ảnh hưởng không ít. Nhiều năm nay, các hộ gia đình không còn sử dụng nước trong các kênh mương để tưới tiêu vì lo nguồn nước không đảm bảo.
Theo người dân địa phương, tình trạng các kênh, mương bị ô nhiễm ở khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm về trước, đến nay tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng hơn. “Nước thải chảy từ hướng CCN Cầu Nổi đổ về đây luôn có một màu trắng đục. Không biết có phải hóa chất gì không nhưng chúng tôi nhìn là thấy hãi rồi. Từ ngày có CCN, dân chúng tôi phải mua máy lọc nước để dùng. Bây giờ có đường ống nước sạch thì còn đỡ chứ trước kia mấy hộ ở đây lúc nào cũng nơm nớp lo nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng”, bà Minh (Miêu Nha, Tây Mỗ) bức xúc.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp, một trạm trộn bê tông trong CCN cũng đang “bức tử” môi trường nơi đây. Nước thải từ các xe trộn chảy ra khu vực bên cạnh làm “bê tông hóa” cả ruộng vườn của người dân.
Dòng kênh chết
Con kênh dẫn nước ở thôn Trường An, cạnh CCN Trường An (xã An Khánh, Hoài Đức) cũng là một trong những điểm đen ô nhiễm trong khu vực.
15h ngày 27/2, một nhà xưởng xả thải dòng nước màu trắng đục ra kênh nước ở thôn Trường An. |
Dẫn phóng viên đi “mục sở thị” dòng kênh, một người dân chỉ cho chúng tôi từng ống nước thải dẫn từ CCN ra kênh. “Ở đây cách một đoạn lại có một ống dẫn nước thải từ các xưởng sản xuất đổ ra. Có chỗ người ta làm kín hơn thì cho ống nước thải xuống dưới”, ông cho biết.
“Đầu năm người ta còn chưa làm nhiều, chứ thời gian cao điểm cuối năm, con kênh nhìn mắt thường cũng thấy nó ô nhiễm trầm trọng rồi. Dòng nước thải lúc thì trắng xóa, lúc thì đen ngòm, mùi hôi thối, có lúc nổi bọt trắng xóa, có lúc lại nổi váng như dầu mỡ”, ông chia sẻ.
Sống cạnh dòng nước ô nhiễm, cuộc sống của người dân Trường An bị ảnh hưởng không ít. Bà Minh, một người dân địa phương chia sẻ: “Trước kia nước ở đây sạch lắm, chiều mát lại có dăm bảy người bắc ghế ngồi câu cá nhưng giờ thì chẳng sinh vật nào sống được ở đây nữa”.
Nằm ở cuối con kênh, trường tiểu học An Khánh B chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm. Nước thải, rác thải theo dòng nước từ đầu nguồn đổ thẳng về đây, biến khu vực trường học thành một bãi rác thu nhỏ. Nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc khi trường học của con bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến vậy.
Chị Nguyễn Thị Hà, một phụ huynh phàn nàn: “Trường học là môi trường giáo dục cho trẻ đáng ra phải trong lành hơn bất kì nơi nào khác. Vậy mà ở đây có đủ loại ô nhiễm, dòng kênh hôi thối, lẫn lộn cả nước thải khu công nghiệp với rác thải, nước thải sinh hoạt”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tại các CCN là do nơi đây chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN cũng không có hệ thống xử lý chất thải.
Từ những thực trạng trên, người dân đề nghị các cơ quan chức năng huyện Hoài Đức sớm có phương án giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các CCN Cầu Nổi, Trường An, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
CCN Trường An do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư tại xã An Khánh có quy mô 10,85ha. Hiện nay có 28 công ty đang hoạt động sản xuất ở các ngành nghề: chế biến nông, lâm sản, bao bì, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị y tế, cơ khí, dệt may....
CCN Cầu Nổi thành lập năm 2017, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư tại xã Vân Canh với quy mô 13,39ha. Tính chất, chức năng của cụm công nghiệp: Phát triển công nghiệp (sản xuất nhôm kính; chế biến nông, lâm sản; lắp ráp, sửa chữa điện, điện tử...).