Nhức nhối những 'thương vụ' lừa đảo xin việc ở Thừa Thiên Huế

(PLO) - Thời gian qua, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế xảy ra hàng loạt những vụ việc lừa đảo xin việc. Vấn đề này trong các kỳ họp HĐND tỉnh cũng đã được đề cập. Dù nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng điều tra, kết tội và có những cảnh báo với người dân, thế nhưng do nhu cầu cần việc làm, nhiều người đã dính bẫy của những tội phạm lừa đảo.
Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt, tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Cơ quan Công an thi hành lệnh bắt, tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Khi giáo viên cũng đi lừa

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thi hành lệnh bắt, tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Thị Mỹ Thanh (SN 1972, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước khi bị bắt, Thanh là giáo viên của một trường tiểu học.

Thanh khai nhận, do cần tiền để chi tiêu, nhiều lần đã vay tiền từ các nguồn “tín dụng đen”. Mặc dù đã cố gắng để trả nhưng lãi chồng lên lãi nên trả mãi vẫn không hết nợ. Trong cảnh khó khăn, lại nhận thấy nhu cầu xin việc làm của nhiều người rất lớn nên đã tung tin mình có nhiều mối quan hệ có thể xin được việc làm. Từ đó, đã nhận tiền của nhiều người và hứa sẽ lo liệu, “chạy” việc nhưng thực tế Thanh chưa từng xin được việc cho ai. Số tiền đã nhận của họ Thanh dùng để chi tiêu cá nhân và trả nợ.

Theo cơ quan Công an, trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2016, Thanh đã lợi dụng sự cả tin của nhiều người, với uy tín bản thân là giáo viên, đã đưa ra thông tin có khả năng xin được việc làm vào một số cơ quan nhà nước. Do đang có nhu cầu tìm việc, lại tin tưởng những lời ngon ngọt của Thanh, có 5 người dân đã đưa cho Thanh tổng số tiền là 540 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chờ đợi một thời gian dài, tất cả đều không có được việc làm như đã thỏa thuận.

Bà Lê Thị Th.(SN 1958, trú tại thôn 10, xã Hương Hòa Nam Đông) một trong số nạn nhân của “thương vụ” lừa đảo cho biết: “Con gái tôi sau khi học ra trường, có nhu cầu xin việc vào Trung tâm Y tế  huyện Nam Đông. Một phần mong muốn con cái có công việc ổn định, một phần thấy Thanh là cô giáo, có khả năng xin việc làm vào nơi mong muốn nên cuối năm 2016, tôi đã nhiều lần vay mượn và 4 lần giao cho cô Thanh tổng số tiền 130 triệu đồng. Thanh cam kết sau 1 tháng sẽ có quyết định tuyển dụng nhưng đợi mãi vẫn không thấy đâu…”.

Cũng tương tự với những chiêu trò và thủ đoạn tinh vi để lừa đảo những người đang có nhu cầu xin việc, đối tượng Nguyễn Chiến Thắng (SN 1982, trú đường Chi Lăng, TP. Huế)- giám đốc 1 doanh nghiệp tư nhân đã chiếm đoạt tiền của rất nhiều người. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, mặc dù là một giám đốc nhưng Thắng ham mê cờ bạc dẫn đến nợ nần nên sử dụng đủ chiêu trò để lừa đảo xin việc cho nhiều người. Trong khoảng thời gian từ 5/2016 đến 01/2017, Thắng đã chiếm đoạt của 20 người đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật với số tiền là: 2.953.906.000 đồng. Ngoài ra, Thắng nhận một mối  xin việc vào Bệnh viện Trung ương Huế với chi phí là 94 triệu đồng của anh  Phan Văn Long (TP. Huế) nhưng thực chất là không xin được. 

Tổng cộng Nguyễn Chiến Thắng đã chiếm đoạt của 21 người với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên Thắng đã dùng để đánh bạc. Ngày 19/7, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế , mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Thắng 14 năm tù về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nguyễn Chiến Thắng chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của hơn 20 nạn nhân
Nguyễn Chiến Thắng chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của hơn 20 nạn nhân

Báo động vấn đề lừa đảo xin việc 

Tại hội nghị giao ban các cơ quan khối nội chính vừa qua, vấn đề lừa đảo xin việc để chiếm đoạt tài sản đã được lãnh đạo TAND tỉnh báo cáo tại hội nghị. Theo Phó Chánh án TAND tỉnh La Minh Tường thì lừa đảo xin việc làm là vấn đề đang báo động. Từ đầu năm 2018 đến nay, TAND tỉnh đã thụ lý 9 vụ với 104 bị hại, tổng số tiền lên đến 24,6 tỷ đồng.

Chánh án TAND tỉnh Đào Thị Mai Hường cho biết, những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn với tang số phạm tội rất lớn, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Hiện, TAND tỉnh đã và đang lĩnh hội thêm ý kiến của Hội đồng TAND Tối cao về một số vụ việc lừa đảo xin việc với số lượng bị hại đông, tang số phạm tội rất lớn. Mục đích nhằm làm rõ đồng phạm, người trung gian dẫn đến những vụ lừa đảo xin việc để tiếp tục đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật.

Trước thông tin đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đã chỉ đạo các ngành liên quan trong khối nội chính tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục bám, nắm, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ cả tin của người dân để lừa xin việc. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe những lời hứa ảo của các đối tượng, dẫn đến “tiền mất, tật mang”. 

Đọc thêm