Những bệnh lý dễ gây mù lòa

(PLO) - Đục thủy tinh thể (cườm khô) và Glaucoma (cườm nước) là hai bệnh lý gây mù lòa lớn nhất hiện nay. TS. BS Trần Thị Phương Thu, Chủ tịch hội Nhãn khoa TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện mắt kĩ thuật cao Phương Nam, trong số báo này sẽ tư vấn cách điều trị và hạn chế nguy cơ mắc các chứng bệnh trên.  
Hình minh họa (Internet)
Hình minh họa (Internet)

Khám mắt định kì giảm nguy cơ mắc bệnh Cườm nước

Theo thống kê của hiệp hội Glaucoma thế giới, ước tính hiện có 4,5 triệu người bị mù lòa do bệnh lý này, dự đoán đến năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 11,2 triệu. Đây được xem là “căn bệnh giấu mặt” bởi giai đoạn đầu không có triệu chứng rõ ràng. Thị lực bình thường, hầu như không có cảm giác đau nhức mắt.
Cườm nước hay còn gọi thiên đầu thống thường do áp lực nội nhãn (nhãn áp) tăng cao, chèn ép và gây tổn thương thần kinh thị giác. Thần kinh thị giác khi đã tổn thương thì không thể phục hồi, cứu chữa. Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ thấy thị lực của mình giảm từ từ.
Đặc biệt, lúc nhìn các vật thẳng trước mặt có thể rõ nhưng hai bên thì mờ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ mù hoàn toàn.
Cườm nước có hai loại góc mở và góc đóng. Triệu chứng dạng góc mở âm ỉ, khó phát hiện, thường bị cùng lúc cả hai mắt. Còn cườm nước dạng góc đóng có những đợt (cơn) đau nhức mắt, nhìn mờ, nhìn quầng xanh đỏ, nhức nửa đầu bên mắt đau.
 “Đôi khi bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn và nôn. Cũng có khi chỉ là những cơn nặng mắt, nặng đầu thoáng qua”, BS Thu nói.
Cườm nước có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những người có nguy cơ mắc bệnh cao gồm: Trên 40 tuổi, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, viễn thị, có giác mạc nhỏ, cận thị nặng, tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt, điều trị với steroid trong thời gian dài.
Hiện tại có rất nhiều phương pháp điều trị cườm nước, như sử dụng thuốc, tia laser hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên chúng chỉ có tác dụng bảo vệ thị lực còn lại, không thể khôi phục thị lực đã mất. Để phòng ngừa các biến chứng, cần phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.
Cụ thể, khi có cảm giác nhức mắt, nặng mắt, độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên, nhìn mờ thoáng qua hoặc nhìn đèn thấy lóa nhiều màu, cần đi khám mắt ngay. Bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để được chẩn đoán sớm. Đặc biệt những người có tiền sử gia đình bị bệnh cần chú ý khám theo dõi để được các BS chuyên khoa có thể kiểm soát và phát hiện bệnh sớm. BS Thu khuyến cáo thêm, không nên lạm dụng thuốc có chứa chất corticoid, tự ý dùng thuốc nhỏ mắt, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Chăm sóc hậu phẫu bệnh nhân cườm khô
Nguyên nhân có thể gây mù lòa nữa là cườm khô. Cườm khô có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi, người bị chấn thương mắt, bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cận thị.
Tuy nhiên bệnh tập trung ở người ngoài 50 tuổi với tỷ lệ trên 80%. Bệnh cườm khô do lão hóa, nhưng có nhiều trường hợp do chấn thương hoặc bẩm sinh. Vì vậy để phòng ngừa bệnh, cần khám mắt định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Những triệu chứng thường gặp của bệnh cườm khô gồm: Nhìn mờ, thị lực giảm dần, mờ nhiều khi ra nắng chói, nhìn rõ hơn lúc ở chỗ râm mát, thường xuyên phải thay đổi kính lão.
Thông thường, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc hoặc đeo kính để điều chỉnh khúc xạ. Chỉ đến khi thị lực người bệnh giảm mạnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt, bác sĩ mới chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu để tình trạng bệnh quá nặng mới phẫu thuật cũng không mang lại kết quả tốt.
Ngày nay, kỹ thuật mới điều trị cườm khô là sử dụng phương pháp Phaco. Đây là phương pháp dùng năng lượng siêu âm phá vỡ thủy tinh thể thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ. Sau đó thay vào đó một thủy tinh thể nhân tạo. Các chuyên gia y tế nhận định, mổ Phaco ít gây đau, không chảy máu, không cần nằm viện và rất an toàn, mang lại hiệu quả cao. Việc chăm sóc hậu phẫu đơn giản, vết mổ mau lành và thị lực phục hồi nhanh.
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa một thời gian ngắn, có thể chảy nước mắt, mắt cảm thấy chói sáng. Nếu mắt khó chịu, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau trong khoảng 4 – 6 tiếng, sau 2 ngày sẽ hết đau. Những ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mắt hoặc uống thuốc để mắt lành và ổn định nhãn áp.
BS Thu tư vấn cho người đến khám mắt
 BS Thu tư vấn cho người đến khám mắt
Cần chú ý quá trình dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, đeo kính bảo vệ mắt và tránh dụi, ấn lên mắt. Bệnh nhân không nên cúi khom hoặc xách vật nặng, có thể làm việc nhẹ. Ngoài ra nên bảo vệ mắt tránh các tia cực tím bằng cách đeo kính mát khi ra ngoài.
Nhiều người lầm tưởng kính râm chỉ để đeo cho đẹp nhưng thực chất kính mát có chức năng ngăn chặn tia cực tím (UV) rất tốt. Tia cực tím là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh cườm khô.
BS Thu khuyên bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý sau khi phẫu thuật: Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C và các chất antioxidant, đây là chất chiếm đa số trong thủy tinh thể. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên ngưng hút thuốc bởi thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh cườm khô và làm hỏng điểm vàng ở phía sau của mắt ở những người cao tuổi.
“Để bảo vệ đôi mắt sáng, chúng ta nên chăm sóc, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ. Nên làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, không làm việc trên máy vi tính hay xem tivi nhiều giờ liền. Cần có chế độ nghỉ ngơi và vận động phù hợp cho mắt, tập luyện thể thao phù hợp. Đặc biệt chúng ta nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng”- bà tư vấn./.

Đọc thêm